Đi còn để trở về

Hơn 2 năm trở lại đây, rất đông các bạn trẻ đã dành thời gian để chinh phục cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng, được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam. Tuy nhiên, vào mùa mưa, khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi nước lũ từ thượng nguồn thường bất ngờ đổ về và lòng suối nhiều đá trơn trượt.
Địa hình di chuyển trong cung trekking Tà Năng – Phan Dũng thường đi qua nhiều suối khá nguy hiểm vào mùa mưa. Ảnh: VÕ THẮM
Địa hình di chuyển trong cung trekking Tà Năng – Phan Dũng thường đi qua nhiều suối khá nguy hiểm vào mùa mưa. Ảnh: VÕ THẮM
Nếu không phải là người bản địa, có ít kinh nghiệm đi lại sẽ rất khó để phát hiện nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn. Gần đây nhất việc bạn nữ N.V.T.Q. (32 tuổi, tỉnh Đồng Nai) bị lũ cuốn trôi, tử vong khi xuyên rừng Tà Năng - Phan Dũng, khiến nhiều người bàng hoàng, xót xa. 
Không quá hiểm trở, khắc nghiệt như những cung đường “xê dịch” khác trong nước, nhưng cung đường trekking Tà Năng - Phan Dũng đi qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng chiều dài khoảng 55km đòi hỏi bạn trẻ đam mê du lịch, trekking phải có sức khỏe, kỹ năng. Hành trình này bắt đầu bằng những đoạn đi bộ băng rừng, leo đèo, vượt suối, di chuyển liên tục lên xuống những con dốc cao, trơn trượt.
Quả thật, cung đường Tà Năng - Phan Dũng là một trải nghiệm tuyệt vời với những người trẻ, đam mê đi và khám phá. Khung cảnh núi non hùng vĩ, ngắm nhìn mây bay bao phủ những ngọn đồi uốn lượn xanh ngút ngàn, ánh mặt trời hoàng hôn chiếu những vệt nắng xuyên qua cả không gian, cảm giác “thỏa đam mê” là những điều bạn trẻ có được sau chuyến đi.
Tuy nhiên, trước đó đã có nhiều trường hợp gặp tai nạn, thậm chí mất tích vài giờ trong những chuyến trekking. Anh K. (dân tộc K’Ho), một người thường xuyên thồ hàng, hành lý cho du khách trên cung đường này, kể: “Có lần, trong một đoàn khách, có người lên cơn đau bụng dữ dội mà cung đường chỉ mới đi được một nửa, phải đi bộ thêm 1 ngày nữa mới tới đích, chúng tôi phải đưa bạn trẻ đó lên ngựa di chuyển suốt mấy giờ ra mé bên kia suối mới có xe thồ chở ra ngoài lộ. Cũng may, chưa có chuyện gì xảy ra”.
Chưa kể, con đường để xe máy chạy vào được đường rừng Tà Năng - Phan Dũng vô cùng vất vả. Có đoạn, bùn ướt nhão nhoẹt, có nơi thì đá lởm chởm, leo lên dốc quá cao mà bên dưới lại là vực sâu hun hút… chỉ cần một phút lơ là đều có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
B.P., một bạn trẻ đã nhiều lần dẫn khách vượt đường Tà Năng - Phan Dũng cho rằng, đây là một cung đường nguy hiểm nếu không có sự chuẩn bị tốt về kỹ năng, kiến thức, sức khỏe. “Cũng tuần vừa rồi, trong đoàn tôi dẫn đi có cô gái khá “tiểu thư”, dù sức khỏe không đảm bảo nhưng vẫn tham gia. Hậu quả là không chịu đựng được khi leo đồi, băng rừng, lội suối quá nhiều, cô bé lên cơn khó thở, bóp tim… khiến cả đoàn hốt hoảng phải thuê xe ôm từ mé suối chở ra đến ngoài đường chính…”, B.P. kể. 
Trước khi đi phượt, hay trekking, bạn trẻ bắt buộc phải tìm hiểu, trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như các vật dụng bảo hộ cần thiết, dù điều này đôi khi không phải là lời nhắc nhở quá mới mẻ. Điều quan trọng là phải tìm hiểu, quan sát tình hình thời tiết, địa hình, để đưa ra những phương án thích hợp, vì nếu phải đối mặt với những sự cố thiên nhiên bất ngờ thì khó mà bình tĩnh để đối phó, xử lý?
Câu chuyện tai nạn ở cung đường Tà Năng - Phan Dũng như là một lời cảnh tỉnh cho các bạn trẻ. Khi chấp nhận thử thách trekking là chấp nhận những rủi ro trên đường, hãy trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, thể lực để đi là trở về, rồi kể lại cho những người thương yêu về những trải nghiệm thú vị.

Tin cùng chuyên mục