Nếu không có sự kiện yến nuôi bị chết do nhiễm virus H5N1 ở TP Phan Rang - Tháp Chàm thì việc nuôi yến có lẽ sẽ tiếp tục phát triển một cách tự phát ở nhiều địa phương và vẫn chưa được ngành chức năng quan tâm nhiều về khía cạnh dịch tễ, kể cả về đặc điểm của loài vật nuôi còn mới mẻ này ở nước ta. Điều đó thể hiện rõ sự lúng túng ở các cấp khi xuất hiện nhiều yến nuôi bị chết do nhiễm H5N1 ở Ninh Thuận. Bởi đây là vật nuôi mà ngành chức năng chưa có sự hiểu biết đầy đủ nên khi xử lý chỉ lấy kinh nghiệm việc phòng chống cúm gia cầm áp dụng cho loại chim trời. Phun xịt, tiêu hủy; có địa phương do lo ngại virus H5N1 trên đàn yến nên yêu cầu người nuôi di dời khỏi khu dân cư nhưng không biết đi đâu. Có người cho rằng, nếu không khéo, việc ép buộc này sẽ khiến đàn yến quanh quẩn ở khu vực nhà nuôi bị di dời thì lúc đó hậu quả có khi lại tệ hơn?!
Ở TPHCM, sẵn đà phòng chống đợt dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh mẽ gây thiệt hại rất lớn cuối năm 2003, đầu năm 2004 khi những căn nhà đầu tiên nuôi yến xuất hiện ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, ngành nông nghiệp TPHCM đã nghĩ ngay đến vấn đề dịch tễ. Do cùng thuộc loại lông vũ nên khả năng nhiễm virus cúm gia cầm H5N1 là điều có thể xảy ra. Chính vì suy nghĩ này nên ngay từ năm 2008, TPHCM đã cho phép huyện Cần Giờ quy hoạch khu nuôi tập trung, xa khu dân cư tại ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp để nuôi thử nghiệm. Hiện nay có gần 200 căn nhà xây dựng nuôi yến ở nhiều xã thuộc huyện Cần Giờ, nhưng chỉ có 10 nhà được cấp phép nuôi chính thức trong khu quy hoạch. Nếu tính các huyện và quận khác thì TPHCM có trên 300 nhà nuôi yến. Theo số liệu chưa chính thức, cả nước hiện có khoảng 5.000 nhà yến, số nhà yến trong khu quy hoạch, xa khu dân cư chiếm tỷ lệ rất ít. Điều đó cho thấy, nhu cầu về nuôi yến của người dân rất lớn. Nhiều người lạc quan cho rằng, đây sẽ là ngành nghề mang về cho đất nước nhiều ngoại tệ như Indonesia, Malaysia…
Giữa tháng 4 vừa qua, Sở NN-PTNT TPHCM họp lấy ý kiến các bộ phận để làm dự thảo về nuôi yến trình UBND TPHCM xem xét và phê duyệt, song song đó, ngành nông nghiệp TP cũng lấy ý kiến việc quy hoạch nuôi chim yến sau khi các huyện và quận khác cũng đề nghị được nuôi. Ngay từ năm 2012, Chi cục Thú y TPHCM đã lấy mẫu các nhà yến phân tích để theo dõi tình hình dịch tễ. Có thể nói, cách làm của TPHCM khá bài bản, nhất là khi xuất hiện virus H5N1 trên đàn yến nên ít bị lúng túng trong chỉ đạo. Điều mà người nuôi hiện nay quan tâm và lo ngại nếu xảy ra cúm A/H5N1 trên đàn yến thì có phải di dời đàn yến không? Vì cho đến nay, điều này là bất khả thi.
Theo những người nuôi yến, chưa ai có thể di dời thành công đàn yến như di dời đàn gia cầm. Hiện có một doanh nghiệp nuôi và kinh doanh yến ở TPHCM lên kế hoạch di dời theo dạng nhân đàn, nhưng đó cũng chỉ mới là ý tưởng. Cho đến nay, di dời đàn yến đồng nghĩa với việc phải làm lại từ đầu để dụ yến vào ở ngôi nhà mới chứ không thể bắt yến nơi này đưa đến ở nơi khác. Do đặc tính của loài yến là chỉ làm tổ ở một nơi duy nhất. Điều này đòi hỏi cả người nuôi và ngành chức năng có những nghiên cứu sâu hơn về vật nuôi này để có biện pháp phòng chống khả thi hơn dựa trên đặc điểm cụ thể của chúng. Đồng thời người nuôi phải hết sức cân nhắc trước khi đầu tư, không thể nuôi một cách tự phát như thời gian qua để rồi chuốc lấy hậu quả.
ĐĂNG LÃM