Sau hơn 1 thế kỷ khai thác sử dụng, nay ga Sài Gòn đã nằm lọt giữa trung tâm TPHCM. Hàng loạt điểm giao cắt giữa đường sắt và đường nội đô là một trong những nguyên nhân gây ra nạn kẹt xe, tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường…
Nhiều hệ lụy khi đường sắt chạy trong khu dân cư
Ga Sài Gòn là ga đầu cuối của tuyến đường sắt Bắc - Nam, được xây dựng từ cuối thế kỷ 19. Ban đầu ga Sài Gòn nằm tại khu vực gần chợ Bến Thành (quận 1), nay là Công viên 23-9. Từ năm 1978, do yêu cầu chỉnh trang đô thị, ga Sài Gòn tại đây bị dẹp bỏ, chuyển về ga Hòa Hưng (quận 3). Thế nhưng vị trí này vẫn nằm trong trung tâm TP, giữa khu dân cư đông đúc. Với việc ồ ạt tăng dân số cơ học và lượng xe cộ, tình trạng ùn tắc giao thông tại TPHCM ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, ga đầu cuối của tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn nằm trong nội thành, đã kéo theo nhiều hệ lụy.
Hiện nay, mỗi ngày ga Sài Gòn có chừng 20 chuyến tàu khách vào ra. Với điều kiện kinh tế, đời sống người dân các tỉnh trong khu vực được nâng lên, kéo theo đà tăng về nhu cầu chuyển dịch lao động, số lượng hành khách đi tàu cũng ngày một tăng. Điều đáng nói, trong số đông đảo hành khách đi tàu chỉ có một phần là người dân TPHCM, có nhu cầu xuống nhà ga trong nội thành; rất nhiều hành khách là người dân ở các tỉnh trong khu vực, có nhu cầu xuống nhà ga ngay cửa ngõ TP để đến bến xe khách về các tỉnh. Như vậy, mỗi ngày có hàng ngàn hành khách đi tàu hỏa phải chen chúc để vào và ra khu trung tâm TP. Điều bất hợp lý này tạo thêm gánh nặng cho giao thông TP, tăng nạn kẹt xe và làm tăng chi phí đi lại, mất thêm thời gian của người dân.
Để vào ga Hòa Hưng, tàu hỏa phải chạy qua địa bàn 9 phường của 5 quận. Do đặc thù đường sắt chạy sâu vào nội thành nên trên một đoạn đường ngắn 14km lại có đến 30 điểm đường sắt giao cắt với đường nội đô. Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, nhất là tại các phường Tam Bình, Linh Tây, Linh Đông, Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), số điểm giao cắt sẽ còn tiếp tục nhiều thêm. Nhiều điểm đường sắt giao cắt với đường nội đô có mật độ giao thông lớn như Lê Văn Sỹ, Nguyễn Văn Trỗi, quốc lộ 13… nên phải đóng chắn khá lâu để chờ tàu băng qua, do vậy thường gây ra ùn tắc giao thông. Đáng lo ngại là việc đường sắt chạy trong khu dân cư nội thành nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng.
Ga Sài Gòn đã nằm lọt trong trung tâm TP, tuyến đường sắt chạy giữa phố phường, nhà cao tầng, thế nhưng các thiết bị chạy tàu như đầu máy, toa xe vẫn sử dụng công nghệ cũ. Mỗi khi chạy qua tạo ra nhiều khói thải và tiếng ồn; rác và các chất thải cứ xả thẳng xuống đường tàu. Do khoảng cách giữa đường sắt và nhà ở của người dân quá gần nên hàng vạn gia đình sống hai bên đường phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm khí thải, chất thải và tiếng ồn.
Triển khai sớm việc di dời
Chúng ta đang xây dựng TPHCM trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, do vậy cần sớm khắc phục tình trạng hệ thống đường sắt chạy sâu vào nội thành. Được biết, từ năm 2007 TPHCM đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt quốc gia theo hướng di dời ga Sài Gòn, ga Bình Triệu về ga Dĩ An (Bình Dương).
Cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị này. Tuy nhiên, đến năm 2008 Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có ý kiến phản đối và đề nghị vẫn giữ nguyên ga Sài Gòn. UBND TPHCM nhiều lần kiến nghị, tranh luận với Bộ GTVT về vấn đề này nhưng Bộ GTVT vẫn kiên quyết không đồng ý di dời ga Sài Gòn và ga Bình Triệu về ga Dĩ An.
Theo Bộ GTVT, ga Sài Gòn được quy hoạch là ga trung tâm đường sắt liên tỉnh và đường sắt nội - ngoại ô, do vậy nếu di dời ga về vị trí mới theo đề nghị của UBND TPHCM sẽ không đáp ứng được các tiêu chí cơ bản của ga trung tâm đô thị. Điểm cốt yếu là khi di dời ga trung tâm ra khỏi nội đô TP thì phải điều chỉnh hướng tuyến đường sắt quốc gia không còn đi qua trục xuyên tâm TP, kéo dài thời gian tàu chạy, giảm khả năng thu hút khách và làm mất chức năng đường sắt liên vùng của tuyến đường sắt quốc gia.
Sau nhiều lần đề nghị di dời ga Sài Gòn nhưng không được chấp thuận, mới đây UBND TPHCM kiến nghị xây dựng đoạn đường sắt đi qua khu vực nội đô trên cao để tổ chức giao thông thuận tiện và tạo điều kiện phát triển quy hoạch đô thị. Tuyến đường sắt đi vào nội thành hiện nay sẽ thay thế bằng đường sắt trên cao, với công nghệ mới để giảm ô nhiễm khí thải, chất thải và tiếng ồn, xóa được các điểm giao cắt với đường nội đô. Giải pháp này sẽ hạn chế được tình trạng kẹt xe thường xuyên trên các con đường có đường sắt băng qua.
Sau khi di dời ga Sài Gòn, sẽ có thêm nhiều diện tích mặt bằng để làm đường giao thông và phát triển cơ sở hạ tầng. Có thể thấy đây là giải pháp hợp lý, khả thi, tháo gỡ những cản ngại trong việc phát triển đô thị, điều tiết giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.
Thiết nghĩ, nên trở lại vấn đề di dời ga Sài Gòn để triển khai sớm.
KS Trần Minh Thịnh