Di dời nhà ở trên kênh rạch: Cần sự đồng thuận từ nhiều phía

Theo thống kê của Sở Xây dựng, TPHCM hiện còn hơn 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch. Trong 5 năm tới, kế hoạch đặt ra là di dời, giải tỏa một nửa trong số này.
Di dời nhà ở trên kênh rạch: Cần sự đồng thuận từ nhiều phía

Theo thống kê của Sở Xây dựng, TPHCM hiện còn hơn 20.000 căn nhà ven và trên kênh rạch. Trong 5 năm tới, kế hoạch đặt ra là di dời, giải tỏa một nửa trong số này.

Trong đó, quận 4, quận 8 là nơi có số lượng nhà ở lụp xụp trên và ven kênh rạch nhiều nhất nhưng đang tồn tại một nghịch lý: chung cư tái định cư xây xong không có người ở, còn người dân cần di dời vẫn quyết tâm “bám trụ” chỗ ở cũ trong điều kiện sống còn nhiều hạn chế.

Di dời nhà ở trên kênh rạch cần sự đồng thuận cao từ nhiều phía Ảnh: CAO THĂNG

Còn 20.000 hộ cần di dời

Trong vòng 5 năm tới, thành phố sẽ tập trung di dời hàng ngàn căn nhà ven 5 tuyến kênh rạch chính: Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ, Tân Hóa - Lò Gốm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên. Theo Sở Xây dựng, dự báo số lượng nhà “ổ chuột” trên và ven kênh rạch trên địa bàn TPHCM hiện nay có thể cao hơn con số 20.000 căn. Bởi hiện nay 67 tuyến kênh chưa có số liệu khảo sát và chưa cắm mốc hành lang an toàn. Cũng theo Sở Xây dựng, việc thay đổi ranh giới giải tỏa hành lang kênh rạch cộng với các quận có nhiều nhánh kênh rạch cần chỉnh trang, nên số lượng nhà lụp xụp có thể tăng lên.

Quận 8 được xem là địa phương có số hộ sống trên, ven kênh rạch nhiều nhất TPHCM. Tổng số nhà trên và ven sông, kênh rạch trên địa bàn quận 8 là 12.369 căn. Thời gian qua, quận 8 đã tổ chức di dời, giải tỏa nhà dân để thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây (phường 9, 10, 11); cải thiện môi trường nước kết hợp dự án đầu tư xây dựng đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ. Đến nay, còn khoảng 9.503 căn nhà, khu đất ven và trên sông, kênh rạch, tập trung chủ yếu dọc các tuyến kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, kênh Đôi. Đa số nhà trên và ven kênh rạch là xây dựng không hợp pháp, lụp xụp, kết cấu tạm bợ, chắp vá. Những căn nhà loại này đều thiếu tiện nghi cơ bản như một số hộ thiếu đồng hồ điện riêng, thiếu nhà vệ sinh, nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống rạch làm mức độ ô nhiễm ngày càng tăng, gây ngập úng. Người dân chủ yếu sinh sống bằng làm thuê, làm mướn nên đời sống rất khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng Công trình nâng cấp đô thị (trực thuộc UBND TPHCM), cho biết, thời gian qua TP đã rất nỗ lực di dời, tái định cư người dân sống trên, ven kênh rạch, cải thiện môi trường sống cho người dân. Tuy nhiên, còn không dưới 20.000 hộ gia đình cần phải di dời trong thời gian tới, trong đó có cả những hộ trước đó đã di dời đến nơi ở mới nhưng quay về. 

Người dân còn e ngại

Chung cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) được xem là một “đại chung cư” tái định cư dành chủ yếu cho những hộ dân di dời từ ven kênh rạch với gần 2.000 căn hộ và hơn 500 nền đất. Tuy nhiên, số hộ dân về đây ở chưa đến 15% mặc dù dự án đã hoàn thành từ gần 5 năm nay. Anh Trần Đức Tài, nhà 4.6 khu C6 chung cư Vĩnh Lộc B cho biết, lúc trước sống “dưới đất” ô nhiễm đủ thứ nhưng do công ăn việc làm nên cứ bám trụ. Giờ lên đây ở cũng có cái bất tiện nhưng môi trường sống trong lành, đầy đủ dịch vụ. Không phải ai cũng đến rồi ở như anh Tài mà nhiều người đến rồi đi hoặc nghe đến chung cư là không thích. Sở dĩ chung cư Vĩnh Lộc B xây xong nhiều năm mà phần lớn căn hộ còn bỏ trống là vì khi chuyển về đây sinh sống có nhiều bất tiện trong cuộc sống cho người dân. Tiếp xúc với phóng viên, nhiều hộ thừa nhận môi trường sống tốt hơn nhưng cuộc sống có khi khó khăn hơn. Ông Ba Bình - một hộ dân được tái định cư tại đây, tâm sự hồi trước cư ngụ ở chỗ cũ bà con chủ yếu là dân lao động nghèo, ít chữ nghĩa, chỉ biết bốc xếp, buôn thúng bán bưng, nhặt nhạnh ve chai để sống qua ngày. Trước khi nghe di dời tái định cư ai cũng băn khoăn, lên chung cư sẽ làm gì để sống. Theo ông Bình, điều quan trọng với người dân lao động là ngoài một chỗ ở thì làm gì để mưu sinh mới là kế sách lâu dài. Không ít người dân còn có tâm lý e ngại khi sống ở chung cư phải chịu nhiều khoảng chi phí như giữ xe, vệ sinh, bảo trì… mà trước kia khi sống ở chỗ cũ hàng tháng không phải đóng.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trong dịp tiếp xúc với người dân được di dời từ các kênh rạch ở TP đến tái định cư tại chung cư Vĩnh Lộc B mới đây, cho biết, quan điểm của TP là khi tái định cư cho người dân thì chỗ ở mới phải tốt hơn chỗ ở cũ. Công ăn việc làm cũng như chuyện học hành của con em có thể bất tiện hơn do phải di chuyển tới nơi ở mới xa trung tâm TP, do đó địa phương phải hết sức quan tâm cho bà con. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, một số dự án tái định cư đã không được sự ủng hộ của người dân, công trình bỏ không ngày càng xuống cấp. Người đứng đầu chính quyền TPHCM cho rằng, TP hết sức chia sẻ với những khó khăn của người dân khi tái định cư đến nơi ở mới. Ví dụ như những hộ, thuê, thuê mua nhà tái định cư còn nợ tiền nhà cần phải phân loại ra để có hướng giải quyết phù hợp bởi phần lớn bà con là hộ nghèo. Ngược lại, người dân cũng hết sức ủng hộ chủ trương này của TP. Chương trình di dời nhà trên và ven kênh rạch để chỉnh trang đô thị là một chương trình lớn của TP, do đó cần sự đồng thuận từ nhiều phía, nhất là từ phía người dân.

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục