Bên cạnh hàng ngàn dự án nhà ở mới mọc lên với chung cư - biệt thự - nhà phố, TPHCM vẫn còn đó hàng chục ngàn trường hợp nhà cửa lụp xụp nằm trên và ven kênh rạch, không dễ xử lý một sớm một chiều…
Nhà trên sông
Lội vào một con hẻm nhỏ hướng ra dòng kênh Đôi, đi chừng mươi bước là hẻm cụt, nhưng không đụng sông mà là… nhà ở! Nơi đó, cho dù nhà tạm bợ nhưng là chốn an cư của nhiều thế hệ. Gia đình cô Hồng, ngụ phường 5, quận 8 là một trong hàng ngàn trường hợp như vậy.
Nhà ven và trên kênh Đôi quận 8, TPHCM Ảnh: QUỐC HÙNG
Nơi ở của gia đình cô Hồng là nhà sàn đúng nghĩa, không có dính líu tới một mét đất nào. Căn nhà thật đơn sơ: không bàn ghế, không giường, tường bằng tôn, mái cũng tôn, chỉ một cơn mưa rào nhẹ cũng đủ át đi giọng nói! Chiều rộng căn nhà từ mép sông trở ra khoảng 4m, bên dưới là dòng sông nước chảy. Nền căn nhà bằng tấm ván đóng ghép lại với nhau, tất cả được giữ vững bằng cọc cừ tràm, đóng xuống đáy sông. Đêm xuống, trải chiếu xuống sàn gỗ là ngủ, nằm trên sông gió thổi lồng lộng. Tuy ở tạm như vậy, nhưng địa phương vẫn cấp đầy đủ tiêu chuẩn của gia đình bình thường: hộ khẩu, số nhà, điện, nước. Định cư từ năm 1990, ba người con sinh ra tại đây, hai đứa con đã lập gia đình. Người con trai cho biết, lúc trước chiều rộng nhà tới 5m, nhưng có lần bị sà lan chạy ẩu húc vào, nên sợ quá phải thụt bớt. Ở riết rồi quen, nhưng cô Hồng không thể quên: “Có lần căn nhà bị sập, bữa đó nước lớn, hai đứa con nhỏ ngập ngụa trong nước. Tôi biết bơi nên kéo được tụi nó lên. Thật may là hôm đó tôi ở nhà nên cứu sống con cái, nhưng sau đó phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, đứa con gái may 12 mũi, con trai may 7 mũi”. Cuộc sống bấp bênh, mẹ con cưu mang nhau qua ngày… Mới đây, chính quyền địa phương đưa gia đình cô vào diện xóa đói giảm nghèo.
Cách đó không xa là gia đình anh Đào Tiến Dũng, nhà rộng khoảng 20m2 nhưng có đến 7 nhân khẩu, gồm hai vợ chồng và 5 đứa con. Căn nhà có khác biệt đôi chút là vách tường che chắn bởi tấm ni lông, simili nhặt từ phế liệu. Con gái lớn học lớp 8 phải nghỉ học, vì không có điều kiện theo đuổi con chữ. Anh Dũng cho biết, khu vực phường 6 này có hàng trăm căn nhà và gia cảnh nghèo tương tự, không có công ăn việc làm, ai thuê gì làm nấy.
14.000 tỷ đồng cho một dòng kênh
Đó là số tiền bồi thường để giải tỏa di dời các hộ dân sống ven và trên kênh Đôi, được UBND quận 8 báo cáo với Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng trong cuộc họp mới đây. Quận 8 bị chia cắt với các quận khác thông qua hệ thống kênh Tàu Hủ, kênh Đôi, dài 45km kênh rạch, trải đều 16 phường với 12.389 căn nhà lụp xụp, ven kênh rạch. Đến năm 2020, việc di dời nhà trên và ven kênh rạch chủ yếu tập trung ở hai bên bờ kênh Đôi với tổng số 5.352 căn, từ phường 1 đến phường 7 của bờ Nam và 5 phường của bờ Bắc.
Theo tờ trình của quận 8 và được UBND TP giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, cơ bản sẽ di dời toàn bộ số nhà lụp xụp nằm trên và ven hai bờ kênh. Thực hiện phương án này sẽ phải di dời một số lượng lớn nhà và người dân bị ảnh hưởng, tổng mức bồi thường ước tính khoảng 13,7 ngàn tỷ đồng. Tiếp đó, nhu cầu tái định cư tại chỗ chiếm khoảng 70%, tương đương 3.747 căn hộ. Hiện tại quỹ nhà tái định cư của 7 dự án là 6.100 căn hộ, trên giấy tờ là vậy, nhưng gặp khó khăn khi triển khai xây dựng, chủ yếu là nguồn vốn thi công. Nhưng rõ ràng nếu thực hiện phương án này sẽ mang lại thuận lợi tổng thể về sau này. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND quận 8, lý giải: “Giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, cải tạo hệ thống thoát nước, xây dựng cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại. Người dân sẽ tiếp cận nhanh hơn, dễ dàng hơn các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, chợ, vui chơi giải trí… Chuyển hóa được toàn bộ địa bàn có sự phức tạp về tình hình an ninh trật tự như tệ nạn ma túy”. Đặc biệt, đối với gánh nặng ngân sách sẽ dễ thở hơn. Cụ thể, quỹ đất sạch được tạo ra sau khi di dời giải tỏa toàn bộ nhà trên và ven hai bờ kênh Đôi sẽ tạo ra môi trường đầu tư quỹ đất này, nhằm khai thác các công trình thương mại dịch vụ, căn hộ chung cư cao tầng và tuyến du lịch ven sông. Nhờ đó, quỹ đất sạch sẽ được đấu giá quyền sử dụng đất nhằm bù lại cho ngân sách TP trong việc di dời giải tỏa các hộ dân sống trên và ven hai bờ kênh Đôi.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm
Sau khi TP triển khai việc chỉnh trang đô thị tại quận 8, nhiều nhà đầu tư như Tập đoàn Vingroup, Công ty cổ phần Đức Khải… đã có văn bản ngỏ ý tham gia đầu tư. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa cho biết, nguồn vốn thực hiện dự án cần thực hiện cơ chế đột phá theo hướng giảm chi tối đa từ ngân sách TP, huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi đầu tư theo phương thức khai thác quỹ đất sau khi chỉnh trang đô thị; doanh nghiệp tham gia tự bỏ vốn đầu tư được TP hỗ trợ nguồn vay vốn hoặc hỗ trợ lãi vay.
LƯƠNG THIỆN - QUỐC HÙNG