Đi lại dịp tết: Không lo thiếu xe, chỉ ngại tắc đường

Dù còn hơn tháng nữa mới đến Tết Canh Tý 2020 nhưng hàng triệu người sinh sống, làm việc tại TPHCM đã nhộn nhịp chuẩn bị tìm đường về quê đón tết. Nhu cầu mua vé xe của người dân đang ngày càng nhiều; vì vậy, các hãng xe chạy tuyến đường dài đang đẩy giá vé tăng cao, có nơi tới hơn 100% so với ngày thường. 

Tăng giá vé hơn mức cho phép

Khu vực các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, có hàng chục điểm tập kết dịch vụ xe hợp đồng TPHCM đi các tỉnh thành miền Trung, miền Bắc. Gọi là xe hợp đồng, song thực chất hầu hết đây là những xe chạy tuyến cố định núp bóng xe hợp đồng.

Theo quy định, vé xe bán vào dịp tết của các tuyến đường dài xuất phát từ TPHCM có cự ly trên 400km, cụ thể từ Phú Yên đến các tỉnh miền Bắc của xe chạy tuyến cố định, không được phụ thu quá 60% giá vé. Tuy nhiên, nhiều nhà xe vẫn tăng giá vô tội vạ. 

Anh Nguyễn Thanh Quốc, 33 tuổi, quê ở Quảng Nam, cho biết đã mua 4 vé của nhà xe H.M đi vào ngày 22-1-2020 (tức 28-12 âm lịch), giá mỗi vé giường nằm là 1,3 triệu đồng. Anh Quốc trả trước 3 triệu đồng cho 4 vé xe về quê dịp tết của mình, số tiền còn lại theo thỏa thuận sẽ trả khi lên xe.

“Ngày bình thường, tôi đi chỉ có 600.000 đồng/vé giường nằm, ngày tết đã tăng hơn gấp đôi. Trong khi, giá vé của nhiều nhà xe khác về tỉnh Quảng Nam cũng dao động từ 1,1 - 1,6 triệu đồng/vé, tôi cũng không có sự lựa chọn nào khác. Tết mà…!”, anh Quốc nói.

Trong vai hành khách, chúng tôi đến nhà xe Cẩm Vân trên đường Tân Thành, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM, mua vé về TP Đà Nẵng, khởi hành vào ngày 28-12 âm lịch.

Cô nhân viên lật vội cuốn sổ, rà cây bút nói: “Mấy anh đi ngày nào cũng có vé, bên em xe chạy chuyến cuối cùng về đến quê trước khi đón giao thừa 1 giờ. Giá vé đi từ ngày 20 - 26 âm lịch chỉ hơn 1 triệu đồng/vé, qua ngày 26 là 1,4 triệu đồng/vé, đặt cọc trước mỗi vé 500.000 đồng”. Như vậy, giá vé dịp cao điểm tết mà nhà xe này đang bán ra cao hơn 100% so với ngày thường. Trong khi các cơ quan chức năng chỉ cho phép tăng 60%.

Đi lại dịp tết: Không lo thiếu xe, chỉ ngại tắc đường ảnh 1 Ngày thường nhà xe này bán 550.000 đồng/vé, dịp tết tăng gấp đôi

Cũng như nhà xe H.M, C.V, nhà xe B.N, T.L, C.T chạy tuyến TPHCM về các tỉnh miền Trung cũng đang bán vé xe tết giá dao động 1,1 - 1,6 triệu đồng/vé (tùy theo đời xe và có bao ăn hay không). Trong khi đó, giá vé ngày thường mà nhà xe H.M bán ra chỉ 550.000 - 600.000 đồng/vé. Đây có thể nói là lợi dụng dịp tết để móc túi hành khách khiến nhiều người bức xúc. 

Hiện nay trên mạng có rất nhiều trang web bán vé xe như bán hàng online. Cụ thể, trang vexere.com với đầy đủ tuyến đi - về giữa các tỉnh thành trên cả nước. Hành khách có thể vào mua với thủ tục rất dễ dàng.   

Tăng chuyến

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dịp tết năm nay, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao, các hãng hàng không dự kiến tiếp tục bổ sung thêm chỗ trên các đường bay nội địa, tương đương hơn 1.000 chuyến bay.

Trước đó, đợt mở bán vé tết từ tháng 9, cùng với đợt tăng chuyến này, nâng tổng số chỗ phục vụ nội địa của  Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, VASCO vào dịp tết lên gần 2,23 triệu chỗ (tương đương gần 12.000 chuyến bay). Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng đã mở bán vé máy bay dịp tết này trên tất cả các đường bay nội địa.

Theo đó, từ ngày 9-1 đến 8-2-2020 (tức 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng), có 1 triệu ghế trên toàn mạng nội địa, tăng khoảng 700.000 chỗ. Đó là chưa kể, Vietjet Air hiện chưa công bố cụ thể số lượng chuyến bay tăng thêm.

Trong khi đó, ngành đường sắt cũng cung cấp khoảng 300.000 vé tàu dành cho hành khách từ TPHCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Ngành đường sắt đặc biệt ưu tiên các chặng đường dài từ ga Sài Gòn đi các tỉnh phía Bắc.

Ngoài ra, một số chặng có đông hành khách như TPHCM đi Đà Nẵng, Huế, Nha Trang… cũng tăng các chuyến tàu phục vụ. Tương tự, các Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây hay nhiều nhà xe chạy tuyến Bắc - Nam cũng có sự chuẩn bị chu đáo, tăng cường bán vé để phục vụ nhu cầu.

Chọn cách di chuyển bằng ô tô cá nhân dịp tết đang ngày càng trở nên quen thuộc với người dân thành phố. Dự báo, rất nhiều gia đình sở hữu ô tô mà khoảng cách từ TPHCM về quê dưới 1.000km, đều sử dụng phương tiện này để về quê. Tuy nhiên, đường bộ về các tỉnh miền Tây Nam bộ và một số tỉnh miền Đông Nam bộ lân cận TPHCM như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… vẫn khiến cho người dân lo lắng.

Thời gian qua, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực cải thiện tình trạng quá tải ở đây, song tình hình vẫn chưa có chuyển biến đáng kể. Đáng nói, giao thông đi về các khu vực này cơ bản chỉ có đường bộ nên sự quá tải của đường bộ khiến con đường về quê vui tết của người dân ở đây dường như… kém vui.

Như mọi năm, theo kế hoạch, lực lượng công an các địa phương, đặc biệt là công an 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre - nơi có cầu Rạch Miễu - nút thắt cổ chai lớn nhất trong toàn bộ hệ thống đường bộ đi về miền Tây Nam bộ, đã có kế hoạch trực, phân luồng… đảm bảo trật tự giao thông, nhưng nỗi lo bị ùn tắc giao thông vẫn thường trực trong mỗi người dân miền Tây khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP về kế hoạch về quê dịp tết. Đại diện nhiều nhà xe chạy trên tuyến đường này cũng cùng nỗi lo: “Xe không thiếu, chỉ ngại tắc đường”.

Tin cùng chuyên mục