Đi nghĩa vụ quân sự có được tính là tham gia BHXH?

Tôi làm việc ở UBND quận 3 đến năm 2000. Lúc đó tôi 45 tuổi, có 24 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), thì nghỉ việc, hưởng chế độ một lần được hơn 9 triệu đồng. Bây giờ cuộc sống của tôi khó khăn, tôi có thể trả lại số tiền tôi đã lãnh một lần trước đó để hưởng lương hưu không?
- Tôi làm việc ở UBND quận 3 đến năm 2000. Lúc đó tôi 45 tuổi, có 24 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), thì nghỉ việc, hưởng chế độ một lần được hơn 9 triệu đồng. Bây giờ cuộc sống của tôi khó khăn, tôi có thể trả lại số tiền tôi đã lãnh một lần trước đó để hưởng lương hưu không? Nếu không, tôi có được thêm trợ cấp gì không? (TRẦN THỊ MỸ LỆ, quận Tân Bình, TPHCM)
- Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Lãnh lương hưu có lợi hơn rất nhiều lần so với lãnh BHXH một lần. Rất nhiều người đã lãnh BHXH một lần, giờ muốn trả lại số tiền đã lãnh để hưởng lương hưu. Tuy nhiên, rất tiếc, nếu đã nhận tiền rồi thì không được hoàn trả số tiền đã lãnh trợ cấp BHXH một lần để hưởng lương hưu. 
Đi nghĩa vụ quân sự có được tính là tham gia BHXH? ảnh 1 Người dân nhận lương hưu tại Bưu điện Trung tâm thị trấn Nhà Bè (TPHCM). Ảnh: Mạnh Hòa
Chỉ có những ai đã có quyết định hưởng BHXH một lần, tại thời điểm giải quyết đã thực hiện đúng theo quy định về hồ sơ, quy trình và thẩm quyền nhưng trên thực tế người đó chưa nhận khoản trợ cấp BHXH một lần, mà có đề nghị cơ quan BHXH hủy quyết định hưởng BHXH một lần để bảo lưu thời gian đóng BHXH, hoặc tiếp tục tham gia BHXH thì cơ quan BHXH kiểm tra đối chiếu hồ sơ, sổ sách, chứng từ đã giải quyết. Nếu khoản tiền BHXH một lần thật sự chưa được chi từ quỹ BHXH và người lao động thực sự chưa nhận tiền thì ra quyết định hủy quyết định hưởng BHXH một lần để bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc tiếp tục tham gia BHXH đối với người lao động. Và như vậy, trường hợp của bà không được hoàn trả số tiền trợ cấp một lần đã nhận để hưởng lương hưu. Người đã nhận trợ cấp BHXH một lần cho thời gian đóng BHXH cũng không được trợ cấp gì từ BHXH. Hiện nay, nếu cuộc sống của bà có khó khăn, bà có thể ghé UBND xã, phường nơi cư trú để biết thông tin về trợ cấp.

- Tôi có con trai đi nghĩa vụ quân sự từ năm 1994-1997. Sau đó, cháu không kiếm được việc làm. Từ năm 2001, cháu vô Cảng Bông Sen (quận 7) làm đến nay. Nay cháu 41 tuổi, bị lá lách to, suy giảm năng lực làm việc. Cháu có 16 năm đóng BHXH. Tôi xin hỏi, 3 năm đi nghĩa vụ quân sự của cháu có được tính là thời gian đóng BHXH không? (TRẦN THỊ YẾN, quận 4, TPHCM)
- Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định việc tính thời gian công tác có đóng BHXH đối với những trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15-12-1993. Đối với người xuất ngũ sau ngày này, theo Quyết định 959/QĐ-TTg ngày 15-12-1993 của Thủ tướng thì, khi xuất ngũ, quân nhân, công an nhân dân được trợ cấp xuất ngũ và trợ cấp học nghề. Tiền trợ cấp xuất ngũ do quỹ BHXH đài thọ. 

Như vậy, khi xuất ngũ thì con bà đã được quỹ BHXH trả trợ cấp rồi nên thời gian này không được tính là thời gian có đóng BHXH để cộng nối với thời gian làm việc tại cảng nữa. Nếu con bà muốn nghỉ hưu theo điều kiện giám định y khoa thì cần đóng BHXH bắt buộc tối thiểu 20 năm. Do đó, con của bà cần tham gia BHXH bắt buộc thêm 4 năm nữa.

- Tôi sinh ngày 25-9-1962, làm ở Nhà Thiếu nhi quận 6 đến tháng 12-2011 thì nghỉ việc theo Nghị định 132. Lúc đó, tôi 50 tuổi và có 30 năm đóng BHXH. Lúc nghỉ, tôi chưa lãnh chế độ gì và được hẹn là đến năm tôi 55 tuổi thì làm thủ tục hưởng lương hưu. Vậy, tháng 9-2017 tôi được lãnh lương hưu chưa? (NGUYỄN HỮU ĐỨC, quận 6, TPHCM)


- Nghị định số 132/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách tinh giản biên chế đối với các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, giao, bán, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản... Nghị định này đã hết hiệu lực từ ngày 1-1-2012.

Trong khi đó, tại thời điểm Nghị định 132 có hiệu lực thì ông không đủ điều kiện về tuổi để được giải quyết hưu trí (nam từ 55 - 59 tuổi, nữ đủ 50 - 54 tuổi) nên ông được giải quyết theo chế độ thôi việc quy định tại điều 7 của Nghị định 132, quy định những người thôi việc sẽ được bảo lưu thời gian đóng BHXH. Như vậy, ông không thuộc đối tượng giải quyết hưu trí vào tháng 9-2017 (đủ 55 tuổi) theo nghị định này (đã hết hiệu lực).

Để được hưởng lương hưu, có 2 cách: hoặc ông chờ đến khi đủ 60 tuổi hoặc ông đi giám định y khoa, nếu suy giảm khả năng lao động 61% trở lên thì được giải quyết hưởng lương hưu. Với cách thứ hai, ông cần lưu ý, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị giảm 2% tỷ lệ lương hưu. Về thủ tục nộp hồ sơ hưu trí, ông ghé BHXH quận 6 (nơi cư trú) để được phục vụ.

Tin cùng chuyên mục