Đi nước ngoài làm việc có phải đóng BHXH trong nước?

* Công ty đưa 4 lao động đi thực tập ở nước ngoài theo hợp đồng nâng cao tay nghề, thời hạn 1 năm. Toàn bộ chi phí do công ty mẹ tại Nhật Bản thanh toán và người lao động sẽ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tại Nhật Bản. 

Vậy người lao động có phải tiếp tục tham gia BHXH tại Việt Nam nữa không (thời gian này, công ty tại Việt Nam không trả lương và người lao động cũng không làm việc tại Việt Nam)? Nếu phải đóng BHXH cho 4 người lao động trên, cần thực hiện thủ tục gì? (Công ty TNHH Vận tải Việt Nhật, quận 7, TPHCM).

Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Khoản 2 Điều 85 Luật BHXH quy định, người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc, khi đi làm việc ở nước ngoài, thì mức đóng hàng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Hồ sơ gồm: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, bảo hiểm y tế (mẫu TK1-TS); hợp đồng lao động (HĐLĐ) có thời hạn ở nước ngoài hoặc HĐLĐ được gia hạn kèm theo văn bản gia hạn HĐLĐ, hoặc HĐLĐ được ký mới tại nước tiếp nhận lao động theo hợp đồng và nộp cho đơn vị hoặc đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH nơi cư trú của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Thực hiện quy định trên, trường hợp người lao động trong thời gian cử đi học hoặc công tác tại nước ngoài không hưởng tiền lương, tiền công thì mức đóng hàng tháng bằng 22% (quỹ hưu trí và tử tuất) tính trên mức tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và do đối tượng đóng toàn bộ.

* Công ty chúng tôi có 4 vị lãnh đạo thuộc quốc tịch Nhật Bản được bổ nhiệm từ Tập đoàn Kao đến Việt Nam làm việc. 4 người này có các giấy tờ tại Việt Nam như sau: giấy phép lao động, thư bổ nhiệm, không có HĐLĐ tại Việt Nam, có hưởng lương tại Việt Nam và hưởng lương từ công ty mẹ, đóng BHXH tại công ty mẹ. Vậy 4 vị lãnh đạo trên có thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tại Việt Nam? (Công ty TNHH Kao Việt Nam - chi nhánh TPHCM, quận Tân Bình, TPHCM).

Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15-10-2018 của Chính phủ quy định, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Trường hợp người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo diện di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp, như quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3-2-2016, thì không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc. Nếu cần xác định đúng người lao động nước ngoài là đối tượng di chuyển nội bộ, đơn vị liên hệ Sở LĐTB-XH TPHCM để được hướng dẫn.

Đơn vị đối chiếu quy định trên để trích nộp BHXH đúng đối tượng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lập hồ sơ; lưu trữ hồ sơ của người tham gia và đơn vị. Mức đóng và thủ tục hồ sơ thực hiện theo quy định tại Công văn số 2446/BHXH-QLT ngày 29-11-2018 của BHXH TPHCM…

Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục