Di sản bằng gỗ kêu cứu

Di sản bằng gỗ kêu cứu

Nhà thờ gỗ ở Alanta (ảnh), thành phố nhỏ cách phía Bắc thủ đô Vilnius của Litva khoảng 80km trông giống như một nhà kho hơn là một giáo đường thiêng liêng cổ kính. Căn nhà trong tình trạng vô cùng tệ, được sử dụng làm nhà kho trong thời kỳ chiến tranh và nay được giao cho một nông dân sống gần đó trông coi.

Nhà thờ bằng gỗ của người Do Thái là di sản độc đáo và duy nhất chỉ có ở châu Âu. Loại hình nhà thờ này còn hiện diện ở Litva, là minh chứng về sự tồn tại ấn tượng của cộng đồng Do Thái ở đất nước này hiện rơi vào quên lãng do không được chú ý đúng mức. Trước Thế chiến II, cộng đồng Do Thái ở Litva có khoảng 200.000 người, nhưng đến 90% trong số này đã bị Đức quốc xã và tay chân ở địa phương giết trong khoảng thời gian 1941-1944. Bác thợ mộc Daniel Drazdauskas nhớ lại cuộc sống của người Do Thái ở Alanta trước kia rất sôi động. Người  Do Thái hồi đó có hơn 20 cửa hàng ở đây nhưng không còn một cửa hàng nào sau chiến tranh. Cũng hồi đó, nhà thờ gỗ là thứ rất quyến rũ vì được gắn với số phận rất ly kỳ.

Vậy tại sao một người Litva lại quan tâm tới di sản của người Do Thái? Câu trả lời rất đơn giản: “Hoàn toàn không có yếu tố tôn giáo ở đây. Nó là di sản quốc gia và chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ nó” như lời ông Drazdauskas. Kể từ khi Litva trở thành nước độc lập năm 1991, ông  Drazdauskas đảm nhiệm công việc trong chính quyền địa phương. Ông không ngừng tận dụng ảnh hưởng của mình để khẩn cầu sự chú ý hơn nữa tới nhà thờ gỗ vì đó không chỉ là tài sản quý của địa phương mà của cả quốc gia. Nếu được trùng tu, nhà thờ gỗ sẽ có vai trò giáo dục, gợi lại ký ức về một cộng đồng đã từng rất quan trọng trong quá khứ.

Theo Gilles Vuillard, họa sĩ người Pháp sống ở Litva từ năm 2009 chỉ để vẽ nhà thờ gỗ, Litva hiện còn tổng cộng 13 giáo đường gỗ của người Do Thái. Ông cũng đã nhiều lần triển lãm tranh về các nhà thờ độc đáo này tại quốc hội và Viện bảo tàng Gaon ở Vilnius nhằm tôn vinh lịch sử Do Thái ở Litva. “Tình trạng xuống cấp của các nhà thờ khiến tôi xót xa và thường không còn nhiều người biết chúng nằm ở đâu, trong khi các nhà thờ gỗ này là bằng chứng của một di sản văn hóa độc đáo và có thể gọi là di sản duy nhất”- họa sĩ Vuillard nói với AFP.

“Những nhà thờ gỗ đầu tiên xuất hiện ở Litva từ nửa cuối thế kỷ 17. Hồi đó, gỗ là vật liệu địa phương có giá rẻ” - kiến trúc sư Maria Rupeikiene, tác giả của nhiều sách viết về di sản của người Do Thái, giải thích. Các giáo đường Do Thái lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, gần nhất là trong những năm 1920, 1930. Tất cả được cộng đồng Do Thái còn ít ỏi ở Litva trùng tu theo một đạo luật được thông qua năm 1992 nhưng tiếc thay, cho đến nay toàn bộ đã bị đóng cửa do thiếu tiền bảo tồn và bị xuống cấp nghiêm trọng. Giáo đường bằng gỗ ở Parkruojis, thành phố cổ nhất Litva nằm ở phía Bắc, đã bị cháy rụi trong đợt hỏa hoạn năm 2009.

Giờ đây, điều quan trọng nhất là bảo tồn các nhà thờ trên. Khả năng duy nhất là tái sử dụng chúng làm thư viện. Một vài hội đồng thành phố đã chấp nhận cho thuê trong vòng 99 năm nhưng thật sự cũng rất kẹt vì tất cả đều trong tình trạng tồi tệ. Bên cạnh đó, du lịch cũng có thể là một cách giúp các giáo đường bằng gỗ đặc biệt này thoát khỏi sự quên lãng. Như trường hợp giáo đường ở Ziezmariai, nằm giữa Vilnius và Kaunas, đã được chọn để tham gia vào chương trình “Con đường di sản Do Thái ở châu Âu” trong khuôn khổ “Những ngày di sản châu Âu dành riêng cho di sản Do Thái ở Litva” từ năm 2004.

Hà Trang

Tin cùng chuyên mục