(SGGP).- “Văn hóa biển đảo - bảo vệ và phát huy giá trị” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học diễn ra ngày 16-10 tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ VH-TT-DL, Hội đồng di sản văn hóa quốc gia tổ chức đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia từ các cơ quan, trung tâm nghiên cứu, quản lý văn hóa, trường đại học và ngành văn hóa một số địa phương.
Với hai tiểu ban “Lý luận và nhận diện về văn hóa biển”, “Giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo”, các tác giả đã trình bày, giới thiệu 38 tham luận và một số ý kiến về tiến trình xây dựng, phát triển, bảo tồn văn hóa biển đảo Việt Nam, song hành cùng lịch sử khai phá, bảo vệ biển đảo của dân tộc. Theo GS-TSKH Vũ Minh Giang, văn hóa biển đảo là khái niệm rộng, hiểu đầy đủ còn bao gồm cả văn hóa các vùng duyên hải nên đôi khi trong thuật ngữ còn được bổ sung thêm từ bờ biển để làm rõ khái niệm này. Với ý nghĩa văn hóa là tất cả những gì do con người sáng tạo ra, văn hóa biển, đảo cũng có thể phân thành văn hóa vật thể và phi vật thể.
Một loại hình di sản đặc biệt của văn hóa biển đảo là các con tàu đắm và những vật dụng khác dưới đáy biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây không chỉ là những di sản quý báu, có giá trị khoa học, văn hóa, kinh tế cao mà còn có ý nghĩa trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia. Vì vậy theo GS-TSKH Vũ Minh Giang, cần gấp rút xây dựng kế hoạch thu thập, hệ thống hóa, số hóa các tư liệu về văn hóa biển đảo (cả văn hóa vật thể và phi vật thể) trên quy mô lớn. Đồng thời cần nhanh chóng xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật chuyên biệt phục vụ công tác nghiên cứu và khai thác di sản văn hóa biển đảo, trong đó đặc biệt ưu tiên khảo cổ học dưới nước.
MAI AN