1. Tôi đi Thái Lan lần này không phải là lần đầu. Cuối năm 2006, tôi đi nghỉ cuối năm ở Thái với anh em báo Thanh Niên, lần đó tung tăng khắp nơi, xuống tận các bãi biển ở Pattaya, đi Tiffany xem ca nhạc của những chàng trai thay đổi giới tính (thành con gái), vào vườn thú xem voi vẽ tranh, tham quan các trại cá sấu, các trung tâm chế tác đá quý, y dược lừng danh của người Thái. Lần này, 5 ngày ở Thái chỉ quẩn quanh ở Bangkok. Lần trước là đi chơi, lần này là đi công việc.
Giải thưởng ASEAN (tên chính thức trên các văn bản ở Thái là “SEA Write Award”) do Hoàng gia Thái Lan khởi xướng (từ năm 1979) và sẽ do hoàng thái tử và công chúa đích thân trao giải nên có khoản quy định về trang phục trong các buổi lễ chính thức, kể cả lúc đi thăm Hoàng cung. Tôi vốn ăn mặc xuề xòa, nên từ lúc ở Việt Nam đọc các văn bản gửi đến từ Thái Lan, đã thấy “nhức đầu”.
Tháng 12 năm ngoái qua xứ Thụy Điển ở tuốt Bắc Âu dự Hội thảo về văn học thiếu nhi, tâm trạng thấy bình thường, thậm chí còn háo hức vì hy vọng lần đầu trong đời nhìn thấy tuyết (rốt cuộc tuyết chẳng chịu rơi - chỉ rơi sau khi tôi rời Stockholm một tuần).
Bây giờ qua Thái Lan láng giềng, lại cảm thấy bồn chồn, chính vì khoản quy định ăn mặc này. Tôi chúa ghét mặc áo vét, tới hôm trao giải cũng phải diện vét cho đúng nghi thức. Bạn bè quốc tế, nhất là các cô các bà, thấy tôi diện vét, cứ đi ngang liếc một cái khen “đẹp trai quá” làm tôi thấy hơi được an ủi, thậm chí khoai khoái, dù không biết họ khen thiệt hay khen đùa (hy vọng là thiệt!).
2. Các nhà văn khối ASEAN giao tiếp bằng tiếng Anh, kể cả ban tổ chức người Thái Lan. Nhưng hễ nhà thơ Lào Dara Kanlaya gặp người Thái là “xổ” tiếng Lào. Tiếng Lào và tiếng Thái giống nhau đến 90%, vì cùng hệ ngôn ngữ Thái. Có tư liệu cho biết người Sán Chay ở Myanmar, người Choang ở Trung Quốc, người Thổ và người Nùng ở Việt Nam cũng có chung hệ ngôn ngữ này. Giả dụ các tộc người này mà gặp nhau ở một cuộc hội thảo quốc tế gồm Thái Lan, Lào, Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam thì chắc là y như người trong một nhà.
Nhưng sự liên quan giữa tiếng Lào và tiếng Thái chưa phải là điều đáng sợ nhất với tôi và Marjorie Evasco, nhà thơ Philippines. “Kinh khủng” nhất là khi các nhà văn, nhà thơ Thái Lan, Malaysia, Singapore, Brunei (Wijaya, nhà thơ Brunei 89 tuổi không đến Bangkok được vì lý do sức khỏe, cử con gái và con rể đi thay) ngồi lại với nhau. Lúc đó họ không nói tiếng Anh, mà sử dụng ngôn ngữ Bahasa (còn gọi là tiếng Malay). Đây là ngôn ngữ thông dụng của Malaysia, Brunei, Indonesia, Singapore (may mà nhà thơ Afrizal Malna của Indonesia không có mặt). Nghe họ ríu rít với nhau bằng tiếng Malay, tôi và Marjorie Evasco cứ thộn mặt ra ngó.
Đôi lúc, có lẽ thấy như vậy là không được lịch sự lắm, nhà thơ Thái Lan Zakariya Amataya quay sang tôi và Marjorie Evasco toét miệng ra cười và giải thích bằng tiếng Anh rằng họ đang nói về chuyện gì. Tôi đoán chắc họ không cố tình làm vậy. Khi ngồi cùng “họ hàng... ngôn ngữ” với nhau, họ thích nói tiếng Malay, vì giao tiếp bằng tiếng “mẹ đẻ” dù sao vẫn dễ dàng hơn là sử dụng tiếng Anh, dù với một vài nước trong khối ASEAN, tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chính thức trong công việc.
3. Buổi lễ trao giải chính thức diễn ra vào tối ngày 5-11 có khoảng 1.200 khách mời. Tôi không biết hết những người này, nhưng chắc chắn có mặt các quan chức của Ngân hàng Bangkok, Hãng hàng không Thai Airways, Khách sạn Mandarin Oriental, là những đơn vị hàng đầu của Thái Lan đồng thời là những nhà tài trợ chính của giải SEA Write Award.
Phía ngoại giao, có lẽ có mặt các đại sứ hoặc tùy viên văn hóa các nước ASEAN. Các nhà văn, nhà thơ Thái Lan từng đoạt giải SEA Write Award cũng được mời, trong đó có nhà thơ 70 tuổi Naowarat Phongphaiboon rất được kính trọng, được giới văn chương xem là một trong hai tác gia lớn của Thái Lan trong thế kỷ 20. Nhà thơ lão thành này tôi gặp một lần tại buổi hội thảo ở Ngân hàng Bangkok, một lần tại buổi đọc thơ ở vườn hoa Suan Pakkad Palace, nhưng trong buổi lễ chính thức thì tôi không thấy ông ngồi đâu vì người quá đông.
Ở bàn tiệc chính thức trên bục sân khấu, ngoài hoàng thái tử Maha Vajiralongkorn và công chúa Srirasm (chữ “princess” ở đây dùng để chỉ vợ của hoàng thái tử chứ không phải là chị hay em gái) và các nhà văn đoạt giải SEA Write Award là thị trưởng thành phố Bangkok, diễn giả William Dalrymple người Scotland và đại diện các đơn vị tài trợ.
Ngồi ở hai đầu bàn là chị Soranat Tailanka, Chủ tịch PEN Club Thái Lan và chị Chamaiporn Saengkrachang, Chủ tịch Hội Nhà văn Thái Lan. Đây là cũng là điều làm tôi ngạc nhiên một cách thú vị: Lãnh đạo các tổ chức văn chương bên Thái toàn là nữ. Hôm các nhà văn đoạt giải SEA Write Award gặp gỡ và trò chuyện với công chúng Thái Lan, người chủ trì buổi hội thảo cũng là nữ: chị Panadda Lertlumamphai. Các nhà nữ quyền Việt Nam mà thấy cảnh này chắc ghen tị lắm.
Hôm đó trên bàn tiệc chỉ có vang đỏ và vang trắng, nhưng tôi uống lẫn lộn cả hai thứ nên thấy hơi ngà ngà. Do đó, khi buổi tiệc kết thúc, tôi về phòng nằm nghỉ ngay. Sáng ra, bị các nhà văn nước bạn trách móc quá trời, hỏi ra mới biết sau buổi lễ trao giải là khoảng thời gian mọi người chụp hình lưu niệm (có lẽ vì đang mặc quần áo đẹp). Tôi tiếc hùi hụi, nào ngờ trước khi ra sân bay về nước, chị Karn trong ban tổ chức tặng mỗi người một cái đĩa CD chứa hình ảnh chụp từ hôm đặt chân tới Thái Lan đến lúc chia tay (hóa ra các tay nhiếp ảnh kè kè đi theo đoàn mọi lúc mọi nơi mấy ngày vừa qua là người của ban tổ chức). Nhờ vậy mà tôi “dính” được mấy tấm. May thiệt là may!
Nguyễn Nhật Ánh