Không phải ngẫu nhiên, giới làm nghề bóng chuyền lại lên tiếng than phiền về chiến lược đào tạo VĐV trẻ cho tương lai. Ở các giải trẻ, Cúp các CLB trẻ toàn quốc thường niên, ngoại trừ một vài CLB chịu đầu tư cho công tác đào tạo trẻ, còn lại hầu hết đều bị cuốn vào vòng xoáy vay mượn VĐV từ nơi này, nơi khác để thi đấu.
Lâu dần, trào lưu này được nhân rộng và trở thành giải pháp tình thế cho nhiều đội bóng đang chơi ở giải VĐQG. Theo quy định, nếu họ không có đội trẻ dự giải toàn quốc, chắc chắn bị thải loại khỏi hoạt động bóng chuyền, nên nếu muốn có quân thi đấu, trong tình cảnh CLB không đào tạo nổi, thì phải mượn từ CLB khác.
Sự phổ biến ấy khiến bóng chuyền Việt Nam phát triển thiếu chiều sâu và không có tính định hướng. Vậy lỗi do đâu? Thứ nhất, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) gần như không kiểm soát được tình hình, chỉ kêu gọi suông và thiếu quan tâm đến công tác đào tạo trẻ của các địa phương, ngành đang đầu tư cho bóng chuyền. Quy định ban hành suy cho cùng cũng chỉ là cái cớ để VFV ép các CLB vào khuôn khổ mà ở đó lại thiếu tính chuyên nghiệp.
Thứ hai, ở thượng tầng (tức phần quản lý của VFV), việc các đội tuyển trẻ luôn trong cảnh bấp bênh, nay tập trung, mai giải tán, chưa kể vấn đề thuê chuyên gia nước ngoài hay tìm HLV nội giỏi để huấn luyện với thời gian kéo dài không được đảm bảo, thì làm sao trở thành tấm gương sáng cho các CLB noi theo, học tập.
Rõ ràng, bóng chuyền Việt Nam lâu nay phát triển rất tự do, không tuân theo bất kỳ định hướng xuyên suốt nào từ VFV. Mỗi địa phương, mỗi ngành đầu tư bóng chuyền theo một kiểu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu năm của các HLV trưởng thành từ VĐV. Vì thế, kỹ năng chơi bóng của VĐV ở các đội bóng cũng khác nhau, trừ một số trường hợp nổi lên và được đánh giá là tài năng xuất sắc như Nguyễn Hữu Hà, Ngô Văn Kiều, Từ Thanh Thuận, Lê Quang Khánh, Phạm Kim Huệ, Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Hà Thị Hoa, Hà Ngọc Diễm…
Có những chuyện mà giới làm nghề kể ra nghe khá hài hước, chẳng hạn nhiều CLB vì thiếu quân và không thể tuyển chọn lớp lang nên đào tạo hớt ngọn, sau 2 năm là đưa VĐV ra thi đấu dù biết chắc đấy là “sản phẩm lỗi”, chỉ là giải pháp tình thế, còn về lâu dài thì hỏng bởi lẽ kỹ thuật của nhiều VĐV trẻ khá vụng về, không có thời gian tích lũy chuyên môn và thể lực, dễ rơi vào tình trạng chấn thương nghiệt ngã.
Nguồn nhân lực của bóng chuyền Việt Nam không thiếu, nếu không muốn nói là rất dồi dào. Tuy nhiên, cứ lấy hình mẫu từ Thái Lan - quốc gia số 1 trong khu vực Đông Nam Á - để so sánh, sẽ thấy ngay những bất cập và thiếu bản sắc của bóng chuyền Việt Nam. Ở xứ Chùa vàng, bóng chuyền được xây dựng theo mô hình chuẩn, bắt đầu từ lứa VĐV 13 tuổi kéo dài lên đến các ĐTQG nam và nữ. Có hẳn một chương trình đào tạo chung và mang tính xuyên suốt, dựa trên các ứng dụng khoa học TDTT, công nghệ thông tin… và quan trọng là lực lượng HLV cũng được Liên đoàn Bóng chuyền Thái Lan tuyển chọn và đảm bảo đủ mọi yếu tố giúp VĐV trẻ phát huy hết tiềm năng của mình.
Sau khoảng mươi năm đào tạo chuyên nghiệp, giờ đây bóng chuyền Thái Lan phát triển khá bền vững, thể hiện bản sắc riêng, đội tuyển nữ 2 từng lần vô địch châu Á, dự khá nhiều giải thế giới, trong khi bóng chuyền nam vẫn giữ vị trí số 1 khu vực, có chỗ đứng đáng nể ở làng bóng chuyền châu Á.
Hình ảnh tương phản là sự phát triển khá ì ạch của bóng chuyền Việt Nam. Nhưng dẫu đã nhìn thấy thực trạng, giới chức quản lý vẫn bình chân như vại, ít chăm chút cho chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trẻ của mình, đẩy các đội tuyển quốc gia vào tình thế chắp vá và thiếu ổn định trong suốt thời gian dài…
LÊ HÙNG
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu