Hiện nay, ở miền Bắc, nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp có khuẩn tả… đang ngày càng diễn ra căng thẳng. Tại miền Nam, sốt xuất huyết cũng bước vào “đỉnh dịch”. Dù dịch bệnh đang được khống chế tốt nhưng số người đổ bệnh do thời tiết chuyển mùa lại gia tăng mạnh mẽ. Trong khi đó, ở miền Trung, sau đợt lũ lụt khủng khiếp, người dân đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát…
Miền Bắc: Căng thẳng bệnh chuyển mùa
Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương mới đầu giờ sáng đã đông kín bệnh nhân, các dãy ghế ngồi và trước cửa các phòng khám không còn một chỗ trống, thậm chí ngoài vườn hoa, cầu thang, hành lang BV cũng la liệt bệnh nhân chờ khám bệnh. Tiếng trẻ khóc, tiếng bố mẹ dỗ con, tiếng loa đọc tên số thứ tự vào khám khiến không khí thêm ngột ngạt. Trong Khoa khám bệnh, chị Nguyễn Thanh Hằng, mẹ cháu Phạm Tuấn Anh (9 tháng tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội) vừa lau mồ hôi cho con đang khóc ngặt nghẽo, vừa than thở: “Cháu ho, sốt cả đêm qua mà uống thuốc mãi không đỡ”. Bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, từ đầu tháng 10 tới nay, thời tiết miền Bắc chuyển mùa thu - đông khiến số trẻ em nhập viện tăng mạnh. Bình thường lượng bệnh nhi vào viện khám ở mức 1.000 – 1.500 cháu/ngày, nhưng gần đây, mỗi ngày BV nhận từ 1.800 đến 2.200 bệnh nhi và khoảng 30%-40% trong số này phải nhập viện điều trị, khiến nhiều khoa, phòng bị quá tải. Cùng chung tình cảnh với BV Nhi Trung ương, Khoa nhi BV Xanh Pôn, Bạch Mai… lượng bệnh nhi vào khám cũng tăng từ 30%-50% so với bình thường. Phần lớn trẻ nhập viện đều bị sốt cao, mắc các bệnh về đường hô hấp, viêm phổi, tiêu chảy và dị ứng thời tiết.
Thời tiết thay đổi, không chỉ trẻ em ốm mà người lớn, nhất là người già cũng đua nhau đổ bệnh. Tại BV Bạch Mai, Viện Lão khoa quốc gia, Viện Tai mũi họng Trung ương, bệnh nhân cao tuổi tới khám và nhập viện tăng chóng mặt so với trước. Ngoài các bệnh về đường hô hấp như ho, hen suyễn có không ít trường hợp bệnh nhân lớn tuổi bị biến chứng tim mạch, thấp khớp.
Miền Nam: Vào đỉnh dịch sốt xuất huyết
Trong khi đó, tại miền Nam, liên tiếp những ngày qua, tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) ngày càng căng thẳng. Bệnh nhân từ các tỉnh đổ về điều trị tại TPHCM tăng cao. Theo Giám đốc BV Nhi đồng 2 Hà Mạnh Tuấn, trong 9 tháng qua BV đã tiếp nhận điều trị hơn 5.300 lượt bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 9, số bệnh nhân điều trị nội trú bệnh này tại BV tăng gần 30% so với tháng 8 và tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại BV Nhi đồng 1, mỗi ngày tiếp nhận gần 100 ca SXH. Từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận hơn 3.350 bệnh nhi điều trị bệnh này. Theo Sở Y tế TPHCM, hiện nay mỗi tuần TP ghi nhận gần 500 ca mắc SXH, trong khi tháng trước chỉ 300 ca. Đã có 9 bệnh nhân ở các tỉnh chuyển đến TP tử vong do căn bệnh này, hầu hết đều phát hiện muộn và chuyển đến điều trị khi đã sốc độ 3-4. Khoa SXH BV Nhi đồng 1 TPHCM luôn trong tình trạng quá tải. BS Lê Thị Bích Liên, Phó giám đốc BV lo lắng vì không chỉ số ca mắc tăng cao mà số trẻ bị biến chứng nặng cũng nhiều. Tại khoa Nhiễm D, Nhiễm C và Nội B (BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM) đều không còn chỗ trống do bệnh nhân SXH nhập viện tăng. Tại khoa Nhiễm D-C, nhiều người lớn bị SXH phải nằm ra hành lang, do mỗi khoa chỉ có 50 giường nhưng phải tiếp nhận gần 100 bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, băn khoăn vì hơn 50% số ca mắc SXH nhập viện đều biến chứng nặng.
Chiều 14-10, trao đổi với PV Báo SGGP, bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế TPHCM, cho biết, ngay từ trước mùa mưa TPHCM đã tổ chức nhiều chiến dịch phòng ngừa dịch bệnh. Sở Y tế TPHCM cũng đã lập 12 đoàn kiểm tra giám sát tình hình sốt xuất huyết trên 24 quận huyện. Riêng trong tháng 10 Sở Y tế TPHCM đã tổ chức 10 đoàn kiểm tra giám sát 3 cấp từ cấp quận huyện, cấp dự phòng và cấp TP. Vào thời điểm này, do mưa nhiều nên đỉnh dịch có tăng. Tính đến nay tại TPHCM có khoảng 5.400 ca SXH, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý hơn, tại TPHCM chưa xảy ra trường hợp tử vong do SXH. Các dịch bệnh khác như chân tay miệng đã vào mùa và tăng cao so với cùng kỳ năm trước khoảng 7% (hơn 200 ca).
Có thể nói tình hình dịch bệnh ở TPHCM đến nay tương đối ổn định. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo không nên chủ quan vì trong thời gian tới nếu thời tiết tiếp tục thất thường và mùa mưa kéo dài, tình hình dịch bệnh sẽ phức tạp. Vì vậy, TPHCM đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất và thuốc men, y cụ… để ứng phó trong mọi tình huống và cũng có thể hỗ trợ cho các địa phương khác khi cần.
Theo các chuyên gia y tế, sự thay đổi thời tiết chuyển mùa ở miền Bắc như hiện nay có tác động rất lớn tới sức khỏe của trẻ nhỏ và người già vì đây là đối tượng có sức đề kháng yếu. Do đó, mỗi khi thời tiết vào giai đoạn chuyển mùa, những gia đình có trẻ nhỏ hay người già cần phải chú ý giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các mầm bệnh, người đang mang bệnh truyền nhiễm. Để phòng tránh các dịch bệnh nguy hiểm sau lũ lụt, các chuyên gia y tế cho rằng, ngành y tế các địa phương cần tích cực giám sát chặt chẽ các dịch bệnh, phun hóa chất vệ sinh môi trường, đảm bảo cung cấp đầy đủ Cloramin B để khử trùng nước sinh hoạt. Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch bệnh như: ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn. Chỉ dùng nước sạch để ăn uống và sinh hoạt. Nếu phải dùng nước sông, suối, ao, hồ, kênh rạch làm nước sinh hoạt, nước ăn, phải làm trong và khử trùng bằng phèn chua hoặc viên Cloramin B. Đồng thời nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, nhà ở, thu gom rác thải, bùn đất, xác động vật sau khi thu gom phải chôn lấp kỹ, cách xa nguồn nước…
Ngày 14-10, bác sĩ Cao Sĩ Phượng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện Minh Hóa (Quảng Bình), cho biết, tại các vùng lũ Tân Hóa, Quy Hóa, Thượng Hóa đang bùng phát nhiều loại bệnh. Thống kê ban đầu cho thấy có 166 người bị bệnh ngoài da, 99 người đau mắt đỏ, 52 người bị hội chứng lỵ kéo dài, 67 người bị đường ruột nặng, 29 người tiêu chảy, 75 người bị cảm cúm, viêm phổi. Hàng trăm dòng suối, ao hồ bị đóng váng, ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó tại các vùng lũ khác như Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy cũng diễn biến nhiều loại bệnh tương tự. Ngành y tế Quảng Bình cho biết có hàng ngàn người bị đau mắt đỏ, nhiều loại bệnh khác đang hoành hành, đặc biệt là bệnh đường ruột. Còn dọc sông Gianh, hàng ngàn người vẫn dùng dòng nước đục ngầu này để sinh hoạt hàng ngày. Bà Nguyễn Thị Lan sống bên bờ Nam sông Gianh nói: “Giếng nước có cho hóa chất vào rồi nhưng dùng tanh lắm, ra lấy nước sông Gianh tuy đục nhưng lọc bằng cát có thể nấu nướng được. Biết là độc hại, ô nhiễm nhưng biết mần răng”. Đây cũng là tình cảnh của hàng ngàn người sống dọc sông Gianh thuộc huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa. Trước tình trạng đó, Sở Y tế Quảng Bình đã cấp 20.000 lọ thuốc nhỏ mắt, 20.000 tuýp thuốc, hơn 200 cơ số thuốc. Khoảng 50.000 giếng nước đã được khử trùng, tuy nhiên công tác tiêu độc khử trùng gặp khó khăn bởi trong ngày 14-10 mưa to suốt ngày, nước tại nhiều sông suối dâng cao. Sở Y tế Quảng Bình cho biết, các nguồn nước tuy đã được khử trùng nhưng không đảm bảo chắc chắn là hết ô nhiễm bởi trận lũ để lại di hại rất nặng nề đối với môi trường. Tỉnh Hà Tĩnh chỉ 4 ngày sau lũ có hơn 2.500 trường hợp mắc bệnh đau mắt đỏ (nặng nhất là huyện Hương Khê với 1.707 trường hợp); 2.400 trường hợp viêm da, nước ăn chân, 118 trường hợp tiêu chảy... Ngành y tế Hà Tĩnh đang tiếp tục đưa cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn bà con xử lý nguồn nước, giám sát vệ sinh môi trường... |
Nhóm PV