Dịch bệnh dồn dập “tấn công” trẻ nhỏ

Thông tin từ Viện Pasteur TPHCM ngày 27-9 cho biết, tại các tỉnh phía Nam có số ca mắc sởi liên tục tăng từ giữa tháng 8 đến nay và chưa có dấu hiệu giảm.

Đồng Nai hiện dẫn đầu về số ca mắc sởi với 136 ca, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiều trẻ mắc sởi từ các tỉnh lân cận tiếp tục chuyển về TPHCM điều trị khiến các bệnh viện tại TPHCM luôn trong tình trạng quá tải.

Tại Khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 hiện có gần 30 ca sởi điều trị nội trú, trong đó có 6 ca từ Đồng Nai chuyển tới. Từ đầu tháng 8 đến nay, tại BV Nhi đồng 2 có 74 ca sởi xuất viện, trong đó có 27 ca có địa chỉ lưu trú tại Đồng Nai.

Đa số trẻ nhập viện đều chưa tiêm ngừa hoặc chưa đến tuổi tiêm. Tại Khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, từ giữa tháng 8 đến nay tiếp nhận trên 30 trẻ bị sởi, đa số là trẻ ở các tỉnh đưa về điều trị chưa được tiêm ngừa sởi và dưới 9 tháng tuổi. 

Dịch bệnh dồn dập “tấn công” trẻ nhỏ ảnh 1 Trẻ mắc sởi
Theo ThS - BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 96 ca mắc sởi, trong đó tăng đột biến vào tháng 9.

Ngành y tế dự phòng TP đã triển khai chiến dịch tiêm bù vaccine cho những trẻ sinh năm 2016, 2017 và đang thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế là tiêm cho trẻ 3 - 5 tuổi. 

Trước tình hình dịch bệnh sởi gia tăng, Viện Pasteur TPHCM vừa tổ chức họp khẩn trực tuyến với 20 tỉnh thành phía Nam để triển khai các giải pháp phòng chống, dập dịch.

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho rằng hiện tại vaccine ngừa sởi không thiếu và yêu cầu các tỉnh lên kế hoạch chi tiết, tập trung dập dịch.

“Để phòng chống thì các tỉnh cần phải tạo miễn dịch cộng đồng, tiêm vaccine đầy đủ, tiêm thường xuyên, tiêm chiến dịch để bổ sung đầy đủ cho các đối tượng nguy cơ. Những cơ sở y tế đang tiến hành điều trị nhiều ca bệnh sởi cần phải tiêm phòng cho cả nhân viên y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhi để tránh lây lan cho bệnh nhi khác”, PGS-TS Phan Trọng Lân khuyến cáo.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng đang trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh tay chân miệng. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, số ca nhập viện ghi nhận được trong tuần qua lên đến gần 290 ca (tăng 47% so với 4 tuần trước đó) và đang tiếp tục tăng.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, năm nay do số ca mắc nhiều, nhiều ca nặng nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý, nhất là với trẻ dưới 5 tuổi. Trường học là môi trường thuận lợi cho sự lây lan bệnh nếu không có biện pháp phòng chống. 

Tin cùng chuyên mục