Dịch bệnh tại châu Âu đáng lo ngại

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) vừa công bố bảng đánh giá tình hình dịch Covid-19 ở châu Âu, trong đó chỉ rõ 10 quốc gia được coi là “rất đáng lo ngại”.
Một bệnh nhân mắc Covid-19 trở nặng phải nhập viện tại TP Leipzig, Đức
Một bệnh nhân mắc Covid-19 trở nặng phải nhập viện tại TP Leipzig, Đức

Phương pháp được ECDC sử dụng cho các đánh giá là sự kết hợp giữa các giá trị tuyệt đối (số ca mắc bệnh, số ca nhập viện, tử vong) với sự gia tăng của các số liệu trên trong thời gian gần đây. Theo dự báo của ECDC, tình hình dịch ở châu Âu tiếp tục diễn biến xấu, số ca mắc và tử vong dự kiến tăng khoảng 50% trong 2 tuần tới, đạt tỷ lệ hàng tuần là 300 ca mắc mới và 2,7 ca tử vong/100.000 dân.

Hiện Hà Lan trở thành nước Tây Âu đầu tiên tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa để đối phó với dịch Covid-19. Theo đó, từ ngày 13-11, các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng thiết yếu như siêu thị sẽ phải đóng cửa lúc 20 giờ; các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa  lúc 18 giờ. Người dân Hà Lan được khuyến cáo không đón tiếp quá 4 người trong nhà và nên làm việc từ xa nhiều nhất có thể; tụ tập nơi công cộng bị hạn chế; các trận đấu bóng đá sẽ diễn ra mà không có khán giả. Tuy nhiên, trường học vẫn mở cửa và người dân vẫn được phép ra khỏi nhà. Chính phủ Hà Lan cũng chuẩn bị tái áp đặt việc chỉ cho phép người đã hoàn thành tiêm chủng hoặc người đã có kháng thể sau khi mắc Covid-19, được tới các cơ sở ăn uống và giải trí. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng. Tình hình dịch bệnh tại Hà Lan vẫn tăng cao bất chấp việc 82% người dân trên 12 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ. Những người không được tiêm chủng chiếm hầu hết là các trường hợp chăm sóc đặc biệt (69%) và nhập viện (55%), nhưng việc vaccine giảm hiệu quả bảo vệ, nhất là ở người cao tuổi, cũng là một nguyên nhân. Chính phủ Hà Lan đã thông báo chiến dịch tiêm mũi tăng cường sẽ bắt đầu vào tháng 12. 

Chính phủ Na Uy cũng thông báo nước này sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh đang lây lan trên toàn quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Jonas Gahr Store cho rằng chính phủ sẽ không cần ban hành lệnh phong tỏa và sẽ lên kế hoạch tiêm liều vaccine tăng cường cho những người trên 18 tuổi. Na Uy đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế vào cuối tháng 9 vừa qua. 

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn đã cảnh báo người dân nước này không nên chủ quan bởi tình hình dịch bệnh tại Đức hiện đang nghiêm trọng. Bộ trưởng Jens Spahn nêu rõ, nước Đức cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ đợt dịch thứ 4 đẩy hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải như từng xảy ra trước đây. Giám đốc Viện Robert Koch của Đức về các bệnh truyền nhiễm, ông Lothar Wieler, cũng cảnh báo các giường chăm sóc đặc biệt ở một khu vực đã đầy hoặc quá tải. Hiện các bang Saxony, Thuringia và Bavaria là những nơi chịu nhiều căng thẳng nhất trong đợt dịch này. Hiện 2/3 trong 83 triệu người dân Đức được tiêm vaccine Covid-19 nhưng các đảng tham gia đàm phán thành lập chính phủ đang xem xét tăng cường các biện pháp phòng chống dịch mới và sẽ công bố vào ngày 18-11.

Tin cùng chuyên mục