Dịch chồng dịch, vaccine cạn kiệt

Trong khi dịch bệnh đang nối nhau gia tăng và diễn biến phức tạp thì nhiều loại vaccine ngừa bệnh đã hết. Trong lúc dịch bệnh sởi vẫn đang hoành hành, các loại dịch bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… cũng khiến bệnh nhi tấp nập nhập viện. Sở Y tế TPHCM vừa họp với Trung tâm Y tế dự phòng 24 quận, huyện để tìm cách đối phó.
Dịch chồng dịch, vaccine cạn kiệt

Trong khi dịch bệnh đang nối nhau gia tăng và diễn biến phức tạp thì nhiều loại vaccine ngừa bệnh đã hết. Trong lúc dịch bệnh sởi vẫn đang hoành hành, các loại dịch bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết, thủy đậu… cũng khiến bệnh nhi tấp nập nhập viện. Sở Y tế TPHCM vừa họp với Trung tâm Y tế dự phòng 24 quận, huyện để tìm cách đối phó.

        Dịch bệnh dồn dập

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, tính đến hết tháng 4-2014, trên địa bàn đã có 1.301 ca mắc sởi; 509 ca mắc thủy đậu; 2.607 ca mắc sốt xuất huyết; 2.944 ca mắc tay chân miệng. “Các loại bệnh trên đã tăng hàng chục lần so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo, bệnh sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới”, đại diện lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP cho biết. Theo đó, bệnh tay chân miệng đang gia tăng ở mức báo động với 236/322 phường, xã thuộc 24 quận, huyện đều có ổ dịch, trong đó các quận 8, Bình Tân, Tân Phú… đang là những điểm nóng của dịch bệnh tay chân miệng. Dự báo, bệnh này sẽ tiếp tục tăng mạnh và đạt đỉnh trong tháng 5 tới.

Trong khi bệnh sốt xuất huyết sau khi tăng bất thường vào mùa khô đang có sự giảm nhẹ trước khi bước vào mùa mưa nhưng đến tuần 18 vẫn ghi nhận khoảng 100 ca nhập viện/tuần, tổng số ca bệnh tính từ đầu năm đã tăng 27.7% so với cùng kỳ năm 2013. Sốt xuất huyết đã xuất hiện tại 110/322 phường xã, nhiều quận huyện dịch đang hoành hành dữ dội như quận 8, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình… Cá biệt tại quận Thủ Đức số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng gần 4 lần so với năm 2013.

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, Nguyễn Thanh Hùng cho biết tính đến hết ngày 6-5, bệnh viện đang điều trị nội trú cho 50 trẻ mắc sởi và 51 trẻ mắc tay chân miệng. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nằm điều trị tại khoa Nhiễm cũng lên tới 40 bé, số ca mắc sởi điều trị nội trú lên tới 68 trường hợp, nhiều bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi.

Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh nhi quá đông khiến khoa bị quá tải nghiêm trọng, 2 đến 3 trẻ nằm chung 1 giường nhưng cũng không đủ chỗ, bệnh viện buộc phải kê thêm giường ở hành lang hoặc người nhà bệnh nhi tự mua chiếu trải dưới nền gạch làm chỗ nằm cho con ở lại bệnh viện điều trị.

Mặc dù TP đang rốt ráo triển khai chiến dịch tiêm vét vaccine ngừa sởi cho trẻ dưới 3 tuổi và đang tiêm bổ sung cho trẻ 2 - 10 tuổi nhưng sau 2 tháng triển khai, bệnh vẫn chưa có dấu hiệu được đẩy lùi. Dự kiến số bệnh nhân được tiêm bù, tiêm vét vaccine trong chiến dịch này khoảng 250.000 đến 300.000 trẻ. BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, nhận định: “Dù đã nỗ lực phòng chống nhưng hiện tại nhiều dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP đang diễn tiến nguy hiểm” .

Chật cứng trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM ngày 7-5.

Chật cứng trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM ngày 7-5.

        Vẫn chờ… vaccine!

Dù mới 9 giờ sáng 7-5, nhưng những nhân viên giữ xe của Viện Pasteur TPHCM đã liên tục thông báo bằng miệng: “Hết phát số chích ngừa rồi nhé bà con”. Nhiều phụ huynh đưa con đến chích ngừa đành quay đầu xe lục tục ra về. “Người ta đi từ 5 giờ sáng mới có số đó”, một nhân viên giữ xe ở đây cho biết khi người dân thắc mắc.

Ngay bàn hướng dẫn của Khoa Chích ngừa, Viện Pasteur TPHCM cũng dán sẵn 2 tờ giấy A4 in đậm ngay trên bàn: “Hết các loại vaccine 6 trong 1, 5 trong 1, vaccine thủy đậu. Chưa biết khi nào có lại”. Tại các điểm chích ngừa khác như Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM… cũng cho biết đã hết vaccine ngừa thủy đậu , vaccine 5 trong 1 và 6 trong 1 nhưng chưa hứa hẹn ngày có trở lại!...

Dịch thủy đậu bắt đầu xuất hiện từ tháng 1 và kéo dài đến nay khiến hàng ngàn trẻ mắc, tuy nhiên từ đó đến nay vaccine này vẫn hết sạch. Tháng 2-2014, Bộ Y tế “chữa cháy” khi cho nhập khẩu hơn 77.000 liều Varicella Vaccine - GCC inj về tiêm phòng cho người dân. Đến giữa tháng 3, số vaccine này đã về đến Việt Nam, tuy nhiên vẫn đang phải chờ kiểm định chất lượng trước khi sử dụng.

Ngoài ra còn có 20.000 liều vaccine có số đăng ký và Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế đã tiếp nhận số vaccine trên để kiểm định chất lượng từng lô. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà đến nay việc cung ứng vaccine ra thị trường vẫn còn chậm trễ đến vậy? Điều này đang khiến hàng ngàn trẻ chưa được chích ngừa đối mặt với nguy cơ mắc bệnh trong khi dịch bệnh đã lan rộng và đỉnh dịch đang cận kề!

Trước thực trạng trên, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, yêu cầu các đơn vị trực thuộc sở đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tuyên truyền ý thức phòng chống dịch bệnh đến người dân, giám sát, điều trị tích cực cho những trường hợp mắc bệnh; tăng cường vệ sinh khử khuẩn, nhanh chóng xúc tiến chương trình tiêm ngừa vaccine sởi, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục