(SGGPO).- Theo Bộ Y tế, tính từ đầu năm tới nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trong cả nước dù giảm khoảng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng dịch bệnh nguy hiểm này lại đang diễn biến khá phức tạp tại nhiều khu vực, với những yếu tố bất thường.
Thống kê mới nhất của Cục Y tế dự phòng và môi trường cho thấy, tính đến đầu tháng 10, cả nước đã có khoảng 8 vạn trường hợp mắc SXH, với 59 ca tử vong. So với cùng kỳ 2009, số ca mắc giảm 6,3%, số ca tử vong tăng 9 trường hợp. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là dịch SXH đang có những diễn biến bất thường. Nếu như cùng thời điểm này mọi năm, số ca mắc SXH thường tập trung ở phía Nam thì nay khu vực miền Trung, Tây Nguyên lại trở thành điểm “nóng”. Điều tra dịch tễ cho thấy, số người mắc SXH ở nhiều tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã tăng cao với 21.638 ca mắc, tăng 168%, kéo theo số ca tử vong cũng tăng mạnh, trong khi đó, miền Nam có 43.844 trường hợp mắc.
Tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, số người mắc SXH đã giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái và không có trường hợp tử vong. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, có trên 1.400 ca, giảm gần 80%. Dù vậy đang xuất hiện khá nhiều bệnh nhân có biểu hiện bệnh nặng hơn. Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện các Bệnh nhiệt đới quốc gia đã tiếp nhận nhiều trường hợp mắc SXH với những biểu hiện khác lạ như: xuất huyết ngoài da nhưng khi kiểm tra thì không rõ là xuất huyết hay phát ban. Có trường hợp xét nghiệm thấy mới chỉ ở type 1 âm tính, nhưng thực tế đã bị SXH type 2. Nguy hiểm hơn, có không ít bệnh nhi sốt cao, kéo dài vài ngày nhưng lại không có biểu hiện bệnh để đánh giá mức độ SXH.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và một số chuyên gia y tế cho biết, không có chủng virus mới gây SXH nguy hiểm hơn. Các chủng virus gây bệnh SXH vẫn là virus Dengue gồm có 4 type: Dengue 1 (D1); Dengue 2 (D2); Dengue 3 (D3) và Dengue 4 (D4). Tại khu vực miền Nam và Tây Nguyên người bệnh mắc cả 4 type D1, D2, D3, D4 còn miền Trung chỉ ở 3 type D1, D2, D3. Trong khi đó, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, type gây bệnh chủ yếu năm nay là D4, khác với chủng virus gây bệnh những năm trước ( là type D1, D2, D3). Điều này cho thấy những type virus gây SXH luân chuyển nhau, thay phiên nhau trong mỗi thời kỳ dịch. Số người mắc SXH tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên tăng mạnh là do chu kỳ của dịch bệnh. Hơn nữa, do khu vực miền Trung, Tây Nguyên trước đó nhiều năm không có dịch SXH lớn, tỉ lệ người miễn dịch thấp dẫn đến số người nhạy cảm với SXH rất cao, khi có muỗi nhiễm virus truyền bệnh là dịch bùng phát.
Một vấn đề khác cũng đáng lưu ý, hiện nay ở nước ta, các chủng virus gây dịch SXH đang lưu hành song trùng với chủng virus Chikungunya. Qua phân lập virus Chikungunya của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương trên các mẫu huyết thanh cho thấy, chưa có bằng chứng khẳng định chủng virus này gây ra dịch SXH, nhưng cũng cần phải hết sức cảnh giác vì virus Chikungunya cũng gây bệnh giống như bị mắc SXH.
KHÁNH NGUYỄN