Trong mấy tuần qua, dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát ở nhiều tỉnh thành trong cả nước làm hàng ngàn người mắc và hàng chục người chết. Hiện nay vẫn chưa có vaccine dự phòng và thuốc đặc trị dịch bệnh này. Để rõ hơn về dịch SXH cũng như độ an toàn của vaccine SXH, Báo SGGP đã phỏng vấn PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM
* Phóng viên: Thưa PGS, so với năm 2014 và các năm trước, ông đánh giá dịch SXH tại TPHCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung từ đầu năm đến nay ra sao?
- PGS-TS Phan Trọng Lân: SXH không chỉ là vấn đề của Việt Nam, mà là vấn đề của toàn cầu. Cứ sau 10 năm, số người mắc SXH trên thế giới tăng gấp đôi. Sau năm 2014, năm mà SXH ở Việt Nam giảm sâu, số người mắc SXH năm nay đã gia tăng trở lại. Nguyên nhân sau nhiều năm số người mắc SXH thấp, số người chưa từng nhiễm SXH gia tăng, có nguy cơ cao mắc bệnh trong năm nay.
Hiện tại, số mắc SXH tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất; tại khu nhà trọ dành cho người lao động nhập cư và có hạ tầng đô thị phát triển nhưng chưa đáp ứng kịp đà tăng dân số như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
- Công tác phòng chống dịch SXH hiện nay đã phát huy hiệu quả như mong đợi chưa, thưa PGS?
- Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện gửi UBND các tỉnh thành trên cả nước về việc tăng cường phòng chống SXH. Trước đó, Bộ Y tế đã tổ chức các hội nghị tăng cường phòng chống SXH ngay từ đầu năm và trước mùa mưa, tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng trên cả nước nhân ngày ASEAN phòng chống SXH (ngày 15-6). Viện Pasteur TPHCM đã có công văn đến giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành chỉ đạo thực hiện tăng cường công tác phòng chống SXH. Tuy nhiên, hiệu quả giảm được số mắc còn phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền và từng hộ gia đình, cộng đồng.
Vai trò của chính quyền không dừng ở chỉ đạo chống dịch khẩn cấp mà có những chính sách vĩ mô lâu dài như cung cấp nước sạch đầy đủ để giảm thiểu tỷ lệ tích trữ nước trong cộng đồng; tổ chức hệ thống thu gom rác thải để tránh tình trạng vật phế thải chứa nước đọng quanh nhà; tổ chức xử phạt hành chính…
Bệnh SXH hiện nay chưa có vaccine dự phòng, thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp dự phòng và kiểm soát chủ yếu là quản lý ca bệnh và hạn chế, loại trừ véc-tơ truyền bệnh. Do đó yếu tố quan trọng là loại trừ trứng, lăng quăng/bọ gậy, muỗi trong từng hộ gia đình. Hiệu quả vaccine cho trẻ dưới 9 tuổi đạt khoảng 44%!
- Được biết, từ năm 2011, dự án thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và an toàn của vaccine mới ngừa SXH (dự án CYD14) đã được triển khai tại Việt Nam do Tập đoàn Sanofi-Pasteur phối hợp Viện Pasteur TPHCM thực hiện. PGS cho biết dự án đã triển khai đến đâu?
- Vaccine phải qua các giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật trước khi đem thử nghiệm trên người. Nghiên cứu trên người gồm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (tính an toàn); giai đoạn 2 (tính sinh miễn dịch và tính an toàn) và giai đoạn 3 (hiệu quả phòng bệnh).
Nghiên cứu giai đoạn 3 của vaccine SXH khu vực châu Á (trong đó có Viện Pasteur TPHCM) kéo dài 7 năm. Hiện đã hoàn tất hoạt động tiêm vaccine và đã đánh giá được hiệu quả và an toàn trong vòng 1 năm sau khi tiêm vaccine. Hiện nay, nghiên cứu đang trong giai đoạn theo dõi để đánh giá hiệu quả và an toàn dài hạn của vaccine! Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới, thời gian theo dõi dài hạn phải từ 3 - 5 năm sau khi tiêm vaccine. Nghiên cứu này lựa chọn theo dõi dài hạn trong vòng 5 năm sau khi tiêm, dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2017.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra phòng chống dịch SXH tại tỉnh Đồng Nai
- Mục tiêu của thử nghiệm vaccine SXH tại Việt Nam là đánh giá hiệu quả khả năng phòng bệnh, đo lường tính an toàn và đánh giá khả năng sinh kháng thể của vaccine. Việt Nam đã chọn 2.336 trẻ từ 2 - 14 tuổi tham gia nghiên cứu từ 4 năm qua, đến nay đánh giá hiệu quả của vaccine ngừa SXH ra sao?
- Việt Nam là một trong các quốc gia được chọn tham gia giai đoạn 3 và Viện Pasteur TPHCM là đơn vị thử nghiệm lâm sàng vaccine có uy tín. Các nghiên cứu thực hiện trên các trẻ em khỏe mạnh tình nguyện tham gia vào nghiên cứu giai đoạn 3 của vaccine SXH. Kết quả ban đầu của giai đoạn 3 đã chứng minh vaccine có thể bảo vệ con người khỏi SXH.
Viện Pasteur TPHCM tham gia 2 trong 15 điểm nghiên cứu, tại 5 nước giai đoạn 3 ở khu vực châu Á. Kết quả nghiên cứu giai đoạn 3 ở châu Á và châu Mỹ La tinh cho thấy hiệu quả vaccine SXH ở nhóm trẻ từ 9 tuổi trở lên đạt 66%, ngừa được 81% ca SXH nhập viện và 93% ca SXH nặng. Đối với nhóm trẻ dưới 9 tuổi, hiệu quả thấp hơn, đạt 44%, ngừa được 56% ca SXH nhập viện và 67% ca SXH nặng. Kết quả của nhóm 9 tuổi trở xuống còn cần phải theo dõi hết thời gian nghiên cứu - 5 năm sau khi tiêm vaccine - để có kết quả đánh giá hoàn chỉnh sau cùng nhằm đảm bảo đánh giá được một vaccine thực sự hiệu quả và an toàn cao. Các phản ứng sau tiêm chủng của vaccine SXH là tương đương hoặc thấp hơn so với các vaccine đang lưu hành. Vaccine không gây bất kỳ biến cố nghiêm trọng nào. Dựa vào kết quả này, nhà sản xuất đang tiến hành đăng ký lưu hành sản phẩm sử dụng cho người từ 9 tuổi trở lên để ngừa bệnh SXH, trong đó có Việt Nam.
- Xin cảm ơn PGS.
| |
TƯỜNG LÂM