Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, với số người mắc tăng cao. Mặc dù qua giám sát dịch tễ và các nghiên cứu cho thấy diễn biến dịch SXH chưa có dấu hiệu bất thường và chưa ghi nhận sự biến đổi của virus gây bệnh nhưng chúng ta không thể chủ quan, đòi hỏi công tác phòng chống dịch bệnh phải chủ động và quyết liệt hơn tới tận hộ gia đình... Đây là nhận định của PGS-TS Trần Đắc Phu (ảnh), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về tình hình dịch bệnh SXH hiện nay.
* Phóng viên: Dịch SXH đã được ghi nhận tại 50/63 tỉnh, thành trong cả nước với gần 30.000 người mắc, trong khi cả năm 2014 cả nước chỉ có 31.000 người mắc. Phải chăng dịch bệnh SXH ở nước ta đang diễn biến bất thường, thưa ông?
* PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU: Tại Việt Nam, SXH là dịch bệnh lưu hành quanh năm tại hầu hết các tỉnh, thành phố, có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa, bệnh ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, trong hơn 8 tháng qua, cả nước đã ghi nhận khoảng 30.000 người mắc bệnh SXH tại 50/63 tỉnh, thành, trong đó có 18 ca tử vong chủ yếu tập trung tại khu vực ĐBSCL.
So với cùng kỳ năm ngoái, diễn biến của dịch bệnh SXH năm nay có số người mắc tăng cao hơn nhưng so với giai đoạn 2009-2013 thì số ca mắc SXH vẫn thấp hơn. Còn số người tử vong do SXH năm nay hiện cũng ngang bằng với năm ngoái. Đúng là số người mắc SXH đang tăng cao nhưng qua các nghiên cứu và giám sát dịch tễ của cơ quan chức năng cho thấy, diễn biến dịch SXH năm nay chưa có gì bất thường, cũng như không có sự biến đổi của virus gây bệnh.
* Thực tế số người mắc bệnh SXH vẫn tăng mạnh trong hơn một tháng qua, ông có thể lý giải vì sao dịch SXH có xu hướng gia tăng trong năm nay?
* Thực tế SXH ở Việt Nam là bệnh lưu hành, bệnh chưa có vaccine và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác phòng ngừa dịch bệnh này không hề đơn giản. Hơn nữa, SXH là bệnh có tính chất chu kỳ, bùng phát 4-5 năm/lần, nghĩa là sau khi số lượng mắc của các năm giảm đi đã tạo ra một quần thể miễn dịch không có nên dẫn đến số lượng người mắc tăng lên. Trong khi đó, năm 2015 được dự báo là năm rơi đúng vào chu kỳ của dịch SXH bùng phát sau nhiều năm giảm.
Cùng với đó, người mắc SXH tiếp tục gia tăng là do sự biến đổi thời tiết, khí hậu, đặc biệt là tốc độ đô thị hóa nhanh trong khi vấn đề vệ sinh môi trường chưa được thực hiện triệt để, cùng với những tập quán, thói quen có hại như: sử dụng các vật dụng, đồ phế thải chứa nước lưu cữu ở nhiều vùng nông thôn cũng khiến cho muỗi gây bệnh SXH bùng phát hay hình thành các ổ dịch.
* Ông có thể cho biết rõ hơn về cơ chế lây bệnh SXH và các biện pháp phòng ngừa?
* SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Có 4 loại tuýp virus gây bệnh SXH gồm: D1, D2, D3 và D4, trong đó tuýp D1 là phổ biến nhất ở nước ta. Tuy nhiên đối với bệnh SXH, một người khi mắc SXH chỉ có thể sinh ra miễn dịch đối với một tuýp virus nên vẫn có thể tiếp tục mắc SXH với tuýp virus khác và đặc biệt lần mắc sau, bệnh thường nặng và nguy hiểm hơn lần mắc trước.
Hơn nữa, chúng ta cần phải nên biết rằng loại muỗi vằn truyền bệnh SXH thường sinh sống ở trong nhà và đẻ trứng sinh ra bọ gậy/lăng quăng tại những khu vực có chứa nước trong nhà như: tại các vỏ chai lọ, lốp cao su, gáo dừa, chum vại... chứa nước mưa lâu ngày. Vì thế mà ngay cả những nhà chung cư cao tầng, chúng tôi cũng tìm thấy được muỗi truyền bệnh SXH khi phát hiện được bọ gậy/lăng quăng ở trong những dụng cụ chứa nước lâu ngày như: lọ cắm hoa, cây cảnh. Do đó, biện pháp phòng ngừa SXH chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
Để thực hiện phòng ngừa SXH, không phải chúng ta cứ ra quân rầm rộ vệ sinh khơi thông cống rãnh hay phát quang bụi rậm mà quan trọng nhất là bản thân mỗi gia đình cần chủ động kiểm tra thường xuyên loại bỏ hoặc vệ sinh sạch sẽ các vật dụng, dụng cụ chứa nước lâu ngày để loại bỏ các ổ bọ gậy/lăng quăng sinh muỗi truyền SXH. Đồng thời tích cực phối hợp với cơ quan y tế thực hiện việc phun hóa chất để diệt muỗi.
* Tuy nhiên, thực tế hiện nay có không ít gia đình, nhất là ở thành thị rất ngại phun hóa chất diệt muỗi truyền SXH. Phải chăng loại hóa chất này gây độc hại cho người?
* Công tác phòng chống SXH đòi hỏi phải có sự kết hợp nhiều biện pháp, cũng như sự chủ động và quyết liệt từ chính quyền địa phương cho tới từng hộ dân để thay đổi hành vi. Tuy nhiên, thực tế việc phòng chống SXH đang gặp nhiều khó khăn, có thể có địa phương này làm tốt nhưng địa phương khác chưa làm tốt và có cả những nơi mà người dân cũng chưa hưởng ứng.
Ví dụ như Hà Nội, chúng tôi tổng kết chỉ có hơn 60% người dân hưởng ứng với việc phun hóa chất hoặc có những chỗ tuyên truyền rất nhiều lần cho người dân biết nhưng vẫn không thay đổi được hành vi có hại như: loại bỏ các dụng cụ, đồ vật chứa nước lâu ngày.
Đối với việc phun hóa chất diệt muỗi truyền SXH phải khẳng định rằng, đây là một trong biện pháp hiệu quả nhằm phòng chống dịch hiện nay và chưa ghi nhận hiện tượng muỗi kháng hóa chất. Hơn nữa, các loại hóa chất diệt muỗi gây bệnh trước khi được đưa vào sử dụng đều có sự kiểm tra, đánh giá tác động, cũng như những ảnh hưởng tới sức khỏe con người rất chặt chẽ của cơ quan y tế nên người dân không nên quá lo ngại.
MINH KHANG (thực hiện)