Dịch viêm phổi cấp nCoV: WHO xem xét tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố, việc chủng virus Corona mới khởi phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) lây truyền giữa người với người ở nhiều nước là đáng lo ngại và việc này sẽ được các chuyên gia của WHO đánh giá khi nhóm họp lần nữa để xem xét liệu có tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu hay không.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, trong cuộc họp báo về dịch bệnh viêm phổi do virus Corona mới gây ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: TTXVN
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới, trong cuộc họp báo về dịch bệnh viêm phổi do virus Corona mới gây ra tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: TTXVN

Thời gian ủ bệnh trung bình hơn 5 ngày

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva sau chuyến thăm Trung Quốc 2 ngày, khi được hỏi về việc một nhóm chuyên gia quốc tế được nhất trí cử tới Trung Quốc, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, nhóm các chuyên gia sẽ bao gồm nhân viên của WHO và các nước cần đưa ra những dàn xếp song phương để cử chuyên gia của mình tham dự.

Trong thông tin mới nhất về dịch bệnh, thời kỳ ủ bệnh kể từ khi phơi nhiễm virus Corona chủng mới (nCoV) cho đến khi xuất hiện các triệu chứng trung bình kéo dài 5,2 ngày, nhưng sai số là rất lớn tùy thuộc từng bệnh nhân. Đây là kết luận của các chuyên gia Trung Quốc đưa ra ngày 29-1.

Nhóm chuyên gia Trung Quốc cho biết ước tính của họ về thời gian ủ bệnh của virus Corona chủng mới dựa trên phân tích dữ liệu y tế của 10 bệnh nhân. Mặc dù thừa nhận ước tính này có thể có sai số, song các chuyên gia cho rằng phát hiện của họ có thể giúp ích cho quá trình theo dõi y tế trong 14 ngày đối với những người đã từng tiếp xúc với mầm bệnh. Ngoài ra, qua nghiên cứu 425 bệnh nhân đầu tiên nhiễm nCoV, nhóm chuyên gia trên cũng phát hiện rằng, kể từ khi bùng phát ở TP Vũ Hán vào tháng 12-2019, số ca nhiễm nCoV đã tăng gấp đôi cứ sau mỗi 7,4 ngày. Ước tính, mỗi người nhiễm virus Corona sau đó đã lây nhiễm cho trung bình 2,2 người khác. Con số này được cho là khá thấp so với bệnh sởi (mỗi bệnh nhân lây nhiễm cho 12 người khác) và chủng Corona gây Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) giai đoạn 2002-2003 (lây nhiễm cho 3 người khác). Cũng theo các nhà nghiên cứu, sự lây truyền virus từ người sang người đã xảy ra giữa những người có tiếp xúc trực tiếp kể từ giữa tháng 12-2019. Trong số 425 bệnh nhân trên có 50% là bệnh nhân trên 60 tuổi và không có bệnh nhân nào dưới 15 tuổi. 

Số ca tử vong tăng vọt

Tính tới ngày 30-1, dịch viêm phổi do nhiễm nCoV đã khiến 170 người tử vong tại Trung Quốc trong khi vẫn tiếp tục lan ra nhiều quốc gia trên giới. Ngoài Trung Quốc và các vùng lãnh thổ của quốc gia này như Macau và Hồng Công, ít nhất 80 ca nhiễm bệnh đã được xác nhận tại nhiều quốc gia khác.

Giới chức Trung Quốc tối cùng ngày công bố báo cáo cho thấy 7.711 người đã nhiễm bệnh trên cả nước, chủ yếu là người dân tại và xung quanh TP Vũ Hán. Dù hầu hết 170 người tử vong đều ở trong khu vực này nhưng cũng có nhiều trường hợp ở một số tỉnh khác và ca đầu tiên tử vong tại thủ đô Bắc Kinh cũng đã được báo cáo. Tại Hồng Công, 10 ca đã có kết quả dương tính với nCoV trong khi Macau xác nhận 7 trường hợp, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng phát hiện 8 ca.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Australia xác nhận 7 ca nhiễm nCoV, trong đó có 6 người từ TP Vũ Hán đang được điều trị tại các bệnh viện ở Sydney, Melbourne và Gold Coast; Ấn Độ công bố ca đầu tiên nhiễm bệnh tại bang Kerela trong ngày 30-1; Nhật Bản xác nhận 11 ca nhiễm bệnh, trong đó có 2 ca lây nhiễm từ người sang người; Hàn Quốc cũng báo cáo 4 ca nhiễm bệnh, tất cả đều từ TP Vũ Hán; Malaysia thông báo 8 ca nhiễm bệnh, tất cả đều là công dân Trung Quốc. Philippines công bố ca nhiễm bệnh đầu tiên là một phụ nữ 38 tuổi đến từ TP Vũ Hán hiện không còn triệu chứng; Singapore cũng đã xác nhận 10 ca nhiễm bệnh, tất cả đều từ TP Vũ Hán; Thái Lan công bố 14 trường hợp nhiễm virus, là quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao nhất ngoài Trung Quốc. Tất cả 6 ca mới xác nhận đều là du khách từ TP Vũ Hán. Bộ Y tế Campuchia báo cáo ca nhiễm bệnh đầu tiên hôm 27/1 là một nam bệnh nhân từ TP Vũ Hán, hiện cũng đã trong tình trạng ổn định. Việt Nam cũng đã xác nhận có 3 công dân nhiễm loại virus nguy hiểm này. Cả 3 trường hợp này đều trở về nước từ TP Vũ Hán. Dịch cũng đã lan tới Sri Lanka khi một du khách từ tỉnh Hồ Bắc phát bệnh trong chuyến du lịch tới vùng này.

Các nước cách ly công dân trở về từ Vũ Hán

Ngày 30-1, máy bay chở công dân Nhật Bản từ TP Vũ Hán đã đáp xuống sân bay ở Tokyo. Đài NHK đưa tin trong số hành khách trên chuyến bay có 6 người có biểu hiện sốt và ho. Trước đó, chuyến bay sơ tán 200 công dân Nhật Bản đầu tiên đã hạ cánh vào ngày 29-1. Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato xác nhận đã có 3 người trên chuyến bay này bị nhiễm virus, dù có 2 người trong số này chưa có triệu chứng nào. 3 người này sẽ được điều trị tại cơ sở y tế đặc biệt.

Trong khi đó, Mỹ cũng đã dùng máy bay Boeing 747 để sơ tán 200 công dân khỏi TP Vũ Hán. Những người có mặt trên chuyến bay đều được đo thân nhiệt khi máy bay hạ cánh xuống căn cứ quân sự tại bang California. Mặc dù những người này đều không có biểu hiện bị mắc bệnh, song tất cả sẽ bị cách ly, theo dõi và xét nghiệm virus trong 72 giờ tới.

Pháp, Anh và Canada cũng đang xúc tiến công tác tổ chức sơ tán công dân. Người phát ngôn cơ quan Ngoại vụ Anh khẳng định Chính phủ đang nỗ lực sắp xếp một chuyến bay để đưa công dân Anh từ TP Vũ Hán trở về an toàn. Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh tất cả mọi người trở về từ TP Vũ Hán cũng đều sẽ bị cách ly 14 ngày để ngăn ngừa dịch lây lan. EU cũng đã thiết lập một trung tâm điều phối phản ứng để theo dõi các trường hợp nhiễm nCoV và công tác hồi hương. Croatia, nước hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, đang cân nhắc tổ chức phiên họp bất thường của các bộ trưởng y tế EU trong những ngày tới.

Tin cùng chuyên mục