Dịch vụ bổ trợ bảo tàng - Phát huy văn hóa truyền thống

Du khách trong và ngoài nước khi đến với bảo tàng, ngoài nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… họ còn có nhu cầu khám phá, gặp gỡ giao lưu, thư giãn, vui chơi giải trí, mua sắm hàng lưu niệm. Vì vậy, các hoạt động dịch vụ bổ trợ cho bảo tàng ngày càng trở nên cần thiết.
Dịch vụ bổ trợ bảo tàng - Phát huy văn hóa truyền thống

Du khách trong và ngoài nước khi đến với bảo tàng, ngoài nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… họ còn có nhu cầu khám phá, gặp gỡ giao lưu, thư giãn, vui chơi giải trí, mua sắm hàng lưu niệm. Vì vậy, các hoạt động dịch vụ bổ trợ cho bảo tàng ngày càng trở nên cần thiết.

  • Xu thế mới

Trước đây ở nước ta, khái niệm “dịch vụ” chưa được đề cập đến trong hoạt động của các bảo tàng hoặc nếu có cũng chỉ là hoạt động bán hàng để có thêm thu nhập. “Ngoài nghiệp vụ chuyên môn, các dịch vụ của bảo tàng đóng vai trò không kém phần quan trọng. Không đơn thuần là bán hàng lưu niệm, kinh doanh ăn uống, mà còn có thể tổ chức các lễ hội, sự kiện, các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân tộc đặc trưng và phù hợp đặc thù từng bảo tàng”, bà Trần Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Khu Hội trường Thống Nhất chia sẻ.

Hàng lưu niệm bày bán trong Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại TPHCM. Ảnh: Thùy Dương

Hàng lưu niệm bày bán trong Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại TPHCM. Ảnh: Thùy Dương

Theo nhiều lãnh đạo bảo tàng tại TPHCM, việc tổ chức hoạt động dịch vụ tại bảo tàng ngoài góp phần quảng bá những nét văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc đối với du khách quốc tế, là cách tuyên truyền giáo dục hiệu quả, còn góp phần làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Ở nhiều nước trên thế giới, các hoạt động dịch vụ tại bảo tàng rất phổ biến và chuyên nghiệp, đặc biệt là ở Mỹ, Pháp, Anh, Hà Lan, Ý… hay các quốc gia trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… Hoạt động dịch vụ tại bảo tàng nói chung đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát huy tác dụng, duy trì hoạt động đồng thời tạo ra nguồn thu chính đáng.

Luật Di sản văn hóa (được sửa đổi bổ sung năm 2009) ở Điều 48 đã bổ sung khoản 7, đã quy định nhiệm vụ của bảo tàng là “tổ chức hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan phù hợp với nhiệm vụ của bảo tàng”. Tuy nhiên những động thái chuyển biến của các hoạt động này còn chậm.

  • Quảng bá văn hóa

“Du khách đến bảo tàng là đến với một điểm du lịch văn hóa, sau khi tham quan, họ cũng cần một điểm dừng chân để nghỉ ngơi, ăn uống, giao lưu thư giãn, tìm hiểu những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương hoặc mua hàng lưu niệm”, bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết.

Hiện bảo tàng này đang hoàn thành đề án quy hoạch 2 khu vực: phục vụ cà phê, ăn uống nhẹ cho du khách và tổ chức biểu diễn múa rối, trình diễn các nhạc cụ dân tộc, góp phần quảng bá những nét văn hóa truyền thống để du khách thưởng lãm.

Ở một góc khác, bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM cho biết: “Bảo tàng dự kiến xây dựng một khu cà phê vườn tượng và tổ chức khu quầy hàng lưu niệm (những mặt hàng như áo thun, ly, tách, quạt, túi xách… có logo của bảo tàng), mở lò gốm để có thể mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách trong quý 3 này”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện mới chỉ có Bảo tàng TP Hồ Chí Minh liên kết với doanh nghiệp, thực hiện cải tạo cảnh quan sân vườn, tăng cường thảm xanh, hồ nước, chỉnh lý khu trưng bày ngoài trời khu vực sân sau của bảo tàng thành khu dịch vụ bổ trợ (khai thác các dịch vụ, tổ chức giao lưu, trưng bày triển lãm chuyên đề các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử gắn với quá trình hình thành và phát triển của TP…). Và trưng bày chuyên đề “Sài Gòn xưa” là triển lãm đầu tay mà đơn vị này đang mở cửa phục vụ người dân. 

MINH AN

Tin cùng chuyên mục