Dịch vụ viễn thông - Công nghệ thông tin TPHCM đi lên từ nền móng vững chắc

Có thể khẳng định, sự kiện về chuyển đổi công nghệ từ analog sang kỹ thuật số digital tại TPHCM vào tháng 12-1991 là minh chứng hùng hồn về tính quyết liệt trong phát triển công nghệ. 21 năm về trước, hệ thống tổng đài điện thoại kỹ thuật số đầu tiên tại TPHCM được hòa vào mạng viễn thông quốc gia, góp phần đáp ứng cho 40.000 thuê bao điện thoại và hàng chục loại hình dịch vụ giá trị gia tăng khác nhau đã đưa vào phục vụ chính quyền và nhân dân thành phố. Điều này đã khẳng định dịch vụ viễn thông - CNTT trên địa bàn thành phố theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Có thể khẳng định, sự kiện về chuyển đổi công nghệ từ analog sang kỹ thuật số digital tại TPHCM vào tháng 12-1991 là minh chứng hùng hồn về tính quyết liệt trong phát triển công nghệ. 21 năm về trước, hệ thống tổng đài điện thoại kỹ thuật số đầu tiên tại TPHCM được hòa vào mạng viễn thông quốc gia, góp phần đáp ứng cho 40.000 thuê bao điện thoại và hàng chục loại hình dịch vụ giá trị gia tăng khác nhau đã đưa vào phục vụ chính quyền và nhân dân thành phố. Điều này đã khẳng định dịch vụ viễn thông - CNTT trên địa bàn thành phố theo kịp các nước tiên tiến trên thế giới.

Ông Võ Hòa Bình, Phó giám đốc VNPT TPHCM, chia sẻ, công nghệ luôn có tuổi đời của nó, đến nay có công nghệ đã “qua thời” nhưng nhìn lại nó có vai trò quan trọng trong con đường phát triển. Minh chứng cho điều này là Call-link, hệ thống điện thoại di động đầu tiên tại Việt Nam. Call-link được đưa vào khai thác từ năm 1992 qua hợp tác với Công ty Viễn thông Singtel (Singapore) đã đột phá vào thị trường dịch vụ hoàn toàn mới và nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Từ 1992-1996, tốc độ phát triển bình quân 20%/năm, số thuê bao di động đã lên đến 20.000 trên toàn thành phố. 8 năm hoạt động, mạng điện thoại di động đầu tiên tại TPHCM đã hoàn thành sứ mệnh…

Ông Võ Hòa Bình cho biết thêm, song song đó, Bưu điện TPHCM đã triển khai 5 hệ thống nhắn tin gồm: MCC, Phonelink, Saigon Epro, Saigon ABC và Nhắn tin Việt Nam. Thời điểm đó, đây là phương tiện hữu hiệu để giữ liên lạc với mọi người khi di chuyển. Với 5 hệ thống nhắn tin phủ sóng rộng khắp thành phố, các tỉnh phía Nam và Đà Nẵng đã phục vụ 120.000 thuê bao vào năm 1999. Sau 10 năm hoạt động dịch vụ đã chấm dứt hoạt động vào năm 2004… Các công nghệ này đã hoàn thành vai trò lịch sử, nhưng đã mở đường cho những công nghệ - dịch vụ khác phát triển, đây như là một xu hướng tất yếu của những bước tiến công nghệ.

Hiện nay, internet tốc độ cao đã quá bình thường, nhưng nhìn vào lịch sử phát triển, internet tốc độ “rùa bò” có giá trị như là nền móng xây dựng nên internet xa lộ như ngày hôm nay. Năm 1997, Bưu điện TPHCM nhận trọng trách triển khai dịch vụ internet của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam lúc đó, đây là dịch vụ khai thông cổng thông tin điện tử đầu tiên đã kết nối với toàn thế giới. Khi ấy, dịch vụ internet kết nối dial-up với tên gọi internet gián tiếp (VNN126x) với 3 lựa chọn VNN1260, 1268, và 1269…

Ông Phạm Đức Long, Giám Đốc VNPT TPHCM cho biết, tiếp nối những nền tảng, hiện VNPT TPHCM đang cung cấp nhiều dịch vụ viễn thông trên nền công nghệ tiên tiến nhất như Internet cáp quang FiberVNN và các dịch vụ MegaEyes (giám sát từ xa), MegaConference (hội nghị truyền hình), AntiDDoS (chống tấn công từ chối dịch vụ DDoS), Mega ERP (hệ thống quản lý trên công nghệ điện toán đám mây), IPTV (dịch vụ truyền hình)… đã đáp ứng kịp thời nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp cũng như phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội công nghệ ngày nay.

Ông Phạm Đức Long khẳng định, 20 năm phát triển dịch vụ viễn thông - CNTT VNPT TPHCM là dịp để nhìn lại những thành tựu trong phát triển công nghệ và dịch vụ của Bưu điện TPHCM trước đây và VNPT TPHCM ngày nay. Tiếp nối những nền tảng vững chắc, VNPT TPHCM luôn đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng trong từng dịch vụ, luôn đảm bảo chất lượng dịch vụ bằng công nghệ tiên tiến nhất… Đây là yếu tố quyết định trong hoạt động sản xuất kinh doanh tạo nên sự khác biệt cho VNPT TPHCM. 

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục