Điểm đến ở Nam Á

Nhận định về chuyến thăm Ấn Độ và Pakistan của Tổng thống Mỹ Obama và Ngoại trưởng John Kerry diễn ra trong cùng tháng 1, tờ Diplomat cho rằng, Chính phủ Mỹ phát thông điệp về chính sách ngoại giao ở khu vực Nam Á. Đây là chính sách nằm trong chiến lược xoay trục châu Á  mà Washington liên tục đề cập trong thời gian vừa qua. Lịch trình các chuyến thăm cấp cao nói trên phản ánh ưu tiên chính sách ngoại giao của Mỹ khi ông Obama bước vào 2 năm cuối của nhiệm kỳ tổng thống.

Ông John Kerry sẽ có chuyến công du đầu năm đến Ấn Độ để tham dự hội nghị các nhà đầu tư tại bang Gujarat, với sự có mặt của Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi và nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài từ ngày 11 đến 13-1. Tiếp đó, Tổng thống Obama sẽ tới thăm Ấn Độ nhân lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa (26-1).  Kết quả cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ- Ấn được hy vọng sẽ tiếp tục giúp hai bên củng cố quan hệ song phương sau chuyến thăm lịch sử của Thủ tướng Modi đến Mỹ vào tháng 9 năm ngoái. Ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên nhận lời mời dự Ngày Cộng hòa của Ấn Độ và cũng là Tổng thống Mỹ đầu tiên có hai lần thăm Ấn Độ trong nhiệm kỳ của mình.

Bắt tay với Ấn Độ nhưng vẫn không quên tăng cường quan hệ với Pakistan. Ngay sau chuyến thăm Ấn Độ, Ngoại trưởng Mỹ Kerry sẽ đến Pakistan để dự cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Pakistan và công bố gói viện trợ dân sự mới cho nước này. Đối thoại chiến lược Pakistan - Mỹ sẽ tập trung chủ yếu vào các vấn đề năng lượng, an ninh, ổn định chiến lược, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, hợp tác kinh tế, thực thi pháp luật và những vấn đề liên quan đến quốc phòng.

Theo Diplomat, Ấn Độ và Mỹ đang chia sẻ rất nhiều lợi ích chung, trong đó có việc bảo đảm một cán cân quyền lực ổn định ở châu Á vì có quan ngại chung về sự lớn mạnh của Trung Quốc. Còn đối với Pakistan, Mỹ muốn khôi phục lại vai trò đồng minh thân thiết sau những căng thẳng vì vụ đột kích tiêu diệt Bin Laden năm 2011. Pakistan là một trong những mặt trận chống khủng bố quan trọng, sự lơ là quan hệ đối với Islamabad sẽ dễ khiến cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ gặp thất bại. Hai nước đã đồng thuận với nhau về các nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố song vẫn còn rất nhiều khác biệt về phương cách đối phó.

Tuy nhiên, quan hệ căng thẳng nảy sinh từ những cuộc đấu súng giữa hai nước Ấn Độ - Pakistan vào ngày 5-1 đã phủ bóng đen lên những chuyến công du đầu tiên đến khu vực Nam Á của những nhà hoạch định chính sách Mỹ. Căng thẳng giữa hai quốc gia gia tăng kể từ lúc Thủ tướng Modi hủy các cuộc đàm phán hòa bình hồi tháng 8. Theo các nhà phân tích, Chính phủ Mỹ buộc phải vận dụng sự khôn khéo trong chính sách ngoại giao tại Nam Á, giữa hai quốc gia đang sở hữu hạt nhân nhưng vẫn tồn tại mối hiềm khích từ tranh chấp ở khu vực biên giới và chính sách chống khủng bố. 

Rõ ràng, những diễn biến trên khiến quan hệ giữa Mỹ - Ấn Độ - Pakistan đứng trước những thách thức mới. Tuy nhiên, trong một thế giới đa cực, việc nhanh chóng tìm được đường lối hòa bình mới, vượt qua những mâu thuẫn ngay trong nội bộ cần được xem là ưu tiên hàng đầu nếu muốn thúc đẩy những chính sách ngoại giao có lợi cho quốc gia.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục