Không phải trong nhà hát, cũng chẳng phải trên sân khấu nhưng hình ảnh hàng trăm người quây thành vòng tròn, cùng nhau say sưa lắc lư theo điệu nhạc trên đường phố hay trong các công viên lại có sức truyền cảm hứng thật mãnh liệt.
Sự lan tỏa
Trước đây, nói đến âm nhạc đường phố, người ta thường liên tưởng đến những gánh hát rong, còn những loại nhạc đương đại chỉ có thể nhìn thấy trên đường phố ở các nước phương Tây, qua phim ảnh. Mãi đến năm 2000, âm nhạc đường phố lần đầu chính thức xuất hiện một cách bài bản ở Festival Huế để phục vụ du khách và một vài năm sau đó, tại TPHCM, người ta thấy những người đam mê âm nhạc thường tụ tập thành nhóm để đàn, hát, họ lấy khoảng không trước Nhà hát thành phố về đêm làm sân khấu.
Kể từ đó, giới trẻ TP rỉ tai nhau về một “sân khấu ngàn sao”, ở đó có những màn biểu diễn không hào nhoáng, không lộng lẫy, chỉ có tiếng đàn, giọng hát mộc nhưng luôn thu hút người dân tới thưởng thức. Sự “mở đường” này khiến nhiều bạn trẻ mạnh dạn thể hiện năng khiếu và tình yêu âm nhạc của mình nơi công cộng. Nhờ đó, các công viên vào những ngày cuối tuần sôi động hẳn.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành điểm hẹn âm nhạc của những người đam mê nhạc đường phố
Nhưng cũng phải đến năm 2011, âm nhạc đường phố mới thực sự được nhiều người biết đến. Đây cũng là thời điểm mô hình âm nhạc này lan tỏa mạnh mẽ. Và có lẽ, nói đến âm nhạc đường phố, người Hà Nội cũng chưa thể nào quên một sắc màu âm nhạc mà đại nhạc hội đường phố năm 2014 có tên gọi Monsoon Music Festival (Lễ hội âm nhạc Gió mùa) đem lại.
Từ sự thành công của Monsoon Music Festival 2014, năm 2015, nhạc sĩ Quốc Trung phối hợp với Oxfam, Văn phòng Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Trung tâm CSAGA, và Trung tâm CEPEW tiếp tục tổ chức sự kiện âm nhạc đường phố mang tên “Không giới hạn” và cũng đem lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả thủ đô.
Qua đó thấy rằng, sự gần gũi, phóng khoáng của không gian đường phố kết hợp với lối trình diễn ngẫu hứng của các nghệ sĩ luôn đem lại cảm hứng cho người xem. Nếu như các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu theo một kịch bản sẵn có, sự tương tác với khán giả dường như rất ít thì âm nhạc đường phố lại là sân chơi để người nghệ sĩ hòa vào khán giả. Với âm nhạc đường phố, bất cứ đâu cũng có thể thành sân khấu và ai cũng có thể trở thành nghệ sĩ nếu có năng khiếu và đam mê âm nhạc. Ở đó họ được “cháy” hết mình và thỏa sức thể hiện những sáng tác của riêng mình.
Nguyễn Dương Linh, một tay guitar có thâm niên 5 năm chơi nhạc trên vỉa hè ở công viên Gia Định, chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ đàn, hát ở nhà hoặc các buổi gặp mặt bạn bè, nay tôi đã mạnh dạn xách đàn ra phố chơi nhạc cùng một số người có chung đam mê. Chúng tôi chơi bằng đam mê của mình, bằng khát khao muốn đem tiếng nhạc tạo nên không khí tươi mới cho phố phường, để giảm bớt cái ngột ngạt và vội vã thường ngày”.
Điểm hẹn của những người mê nhạc
Thời điểm hiện tại, âm nhạc đường phố đã có chỗ đứng và khẳng định được sức hút đối với khán giả. Chính vì vậy, âm nhạc đường phố đã có mặt ở nhiều tỉnh và thành phố, từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang đến TPHCM…
Ở Hà Nội, xen lẫn tiếng còi xe là tiếng nhạc vút lên từ những “bữa tiệc” âm nhạc tại khu chợ Đồng Xuân, trước cửa trung tâm thương mại trên phố Bà Triệu, công viên Cầu Giấy, tượng đài Lý Tự Trọng, nhà Bát giác tại vườn hoa Lý Thái Tổ hay sôi động nhất ở khu phố cổ vào những tối cuối tuần. Đây là nơi người dân thủ đô và du khách tìm đến để thưởng thức những màn biểu diễn ngẫu hứng của những nghệ sĩ đang “phiêu” giữa phố với đủ loại hình âm nhạc, từ chầu văn, ca trù, dân ca quan họ, chèo… đến các loại hình âm nhạc đương đại.
Trong khi đó, điểm hẹn âm nhạc đường phố tại TPHCM lại đa dạng hơn và nhiều màu sắc hơn. Đó có thể dưới một bóng cây ở công viên Lê Văn Tám, một khoảng sân rộng lớn tại công viên Gia Định, một “ngõ nhỏ” trong công viên 30-4, một căn chòi trong công viên 23-9, hay đơn giản là một góc vỉa hè trên con phố đông người…
Và cho đến lúc này, điểm hẹn lớn nhất dành cho những người đam mê âm nhạc đường phố tại TPHCM phải kể đến phố đi bộ Nguyễn Huệ. Mỗi tối, nơi đây này trở thành sân khấu đường phố của hàng chục nhóm nhạc, từ chuyên nghiệp, nghiệp dư, sinh viên nhạc viện đến những nhóm nhạc không tên tuổi và có cả du khách nước ngoài tham gia, tất cả tạo nên một bữa tiệc âm nhạc vô cùng sống động.
Nhận thấy sức hút từ âm nhạc đường phố, mới đây, Đoàn khối Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (thuộc Thành đoàn TPHCM) đã xây dựng chương trình “Không gian văn hóa - nghệ thuật và thể thao” với mong muốn đem âm nhạc, đặc biệt là nhạc dân tộc, đến gần hơn với công chúng, nhất là giới trẻ. Nhờ có âm nhạc đường phố mà con đường thêm đẹp, công viên thêm vui và lòng người lại rộn ràng theo từng giai điệu.
HẢI THU