Điểm nóng nhất

Cuộc xung đột ở Syria bước vào một giai đoạn mới, ngày càng vượt ra khỏi tính chất của một cuộc nội chiến. Những gì bắt đầu như một phong trào phản đối từ lâu đã trở thành một cuộc nổi dậy và nó đã di căn thành một cuộc chiến tranh. Khoảng 70.000 người đã thiệt mạng vì bom đạn của các bên trong hai năm qua và Syria được gọi là “cánh đồng chết” mới ở Trung Đông. Khả năng quốc tế hóa cuộc chiến tranh không còn là nguy cơ mà trên thực tế đã có những diễn biến ban đầu rất phức tạp.

Cuộc xung đột ở Syria bước vào một giai đoạn mới, ngày càng vượt ra khỏi tính chất của một cuộc nội chiến. Những gì bắt đầu như một phong trào phản đối từ lâu đã trở thành một cuộc nổi dậy và nó đã di căn thành một cuộc chiến tranh. Khoảng 70.000 người đã thiệt mạng vì bom đạn của các bên trong hai năm qua và Syria được gọi là “cánh đồng chết” mới ở Trung Đông. Khả năng quốc tế hóa cuộc chiến tranh không còn là nguy cơ mà trên thực tế đã có những diễn biến ban đầu rất phức tạp.

Các nhà phân tích cho rằng có 5 lý do chiến tranh Syria ngày càng trở nên nguy hiểm hơn. Thứ nhất, chính quyền Al-Assad ở Syria kiên quyết bảo vệ chế độ và đang mở các cuộc phản công mạnh mẽ vào phe nổi dậy nhằm chiếm thế thượng phong khi quốc tế can thiệp theo hướng chấm dứt cuộc chiến bằng đàm phán hòa bình với phe đối lập. Thứ hai là cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Israel và Hezbollah mà Syria không thể không bị lôi cuốn vào. Thứ ba là nguy cơ hiện hữu của xung đột sắc tộc và tôn giáo như Bosnia trước đây. Thứ tư, vũ khi hóa học có thể là cái cớ để Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự ở Syria như cái cớ “vũ khí giết người hàng loạt” ở Iraq trước đây, nhất là sau khi Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry khẳng định có bằng chứng về việc Syria sử dụng loại vũ khí này. Thứ năm là sự liên quan của các nước láng giềng như Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan.

Giấc mơ của các nhà ngoại giao quốc tế là chấm dứt cuộc chiến tranh ở Syria bằng biện pháp hòa bình. Mới đây, Mỹ và Nga đã kêu gọi tổ chức một cuộc hòa đàm quốc tế trong đó có đại diện chính quyền và phe nổi dậy ở Syria. Nhưng khả năng này trong tương lai gần là rất khó xảy ra. Một số chính khách diều hâu Mỹ đã thúc giục Tổng thống Obama can thiệp quân sự trực tiếp và họ cho rằng nếu Hoa Kỳ vẫn còn trên băng ghế dự bị, các diễn viên khu vực sẽ chiến đấu với nhau để “kế thừa” Syria. Họ còn cho rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang ở trong tình trạng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết và can thiệp của Mỹ có thể giúp kết thúc “trận đấu”.

Trong thời điểm hiện nay, mặc dù sự chú ý của thế giới vẫn hướng đến bán đảo Triều Tiên, biển Đông... nhưng Syria mới thực sự là điểm nóng nhất về an ninh quốc tế. Với sự bế tắc về quân sự và ngoại giao như bây giờ, ngày càng xuất hiện nhiều khả năng một nước Syria bị “chia năm xẻ bảy” bởi các phe nhóm khác nhau nắm quyền kiểm soát trong năm thứ ba của cuộc chiến tại nước này. Lý tưởng nhất là chế độ Syria hiện nay và quân nổi dậy gạt bỏ ý muốn về một chiến thắng quân sự, thu hẹp những bất đồng giữa họ vì một cuộc đối thoại chính trị trước khi bước vào cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng trên thực tế, cả hai bên đều nhận thức rằng việc kiểm soát lãnh thổ có thể được tận dụng như một lợi thế khi ngồi vào bàn đàm phán. Đó là chưa kể đến việc các cường quốc nước ngoài đóng vai trò nhất định trong việc thúc đẩy các cuộc xung đột, làm cho bất kỳ một lệnh ngừng bắn nào khó có thể thực hiện được.

Ở trung tâm của một khu vực rất dễ tổn thương, việc Syria bị chia cắt sẽ tạo nên một cơn sóng thần địa chính trị có khả năng quét những nước nhỏ khác mất ổn định vào vũng lầy đẫm máu.

Nguyễn Khắc Đức

Tin cùng chuyên mục