LTS: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn nhằm nâng cao đời sống nông dân. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, đưa chính sách vào cuộc sống vẫn còn hạn chế nên chưa phát huy thế mạnh nông nghiệp nước ta tương xứng với lợi thế, cải thiện cơ bản đời sống nông dân. Được sự nhất trí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, UBND TP Cần Thơ và Báo SGGP phối hợp tổ chức Hội thảo “Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn” diễn ra vào sáng nay, 10-12, tại TP Cần Thơ. Trong đó, vấn đề xây dựng nông thôn mới được xem là điểm nhấn của quá trình phát triển nông nghiệp - nông thôn hiện nay.
Sức bật “tam nông”
Triển khai Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020 do Chính phủ xây dựng sẽ được thực hiện ở tất cả các xã trên phạm vi toàn quốc, theo phương châm dựa vào nội lực địa phương, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần để phát huy sự đóng góp của cộng đồng. Tháng 4-2009, Thủ tướng chính phủ cũng đã ban hành bộ tiêu chí quốc gia về NTM gồm 19 tiêu chí. Đây là cơ sở để xây dựng mô hình NTM phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Ban Bí thư đã chọn 11 xã triển khai thí điểm. Mới đây, Ban chỉ đạo chương trình NTM quốc gia cũng đã chọn 5 huyện và 5 tỉnh trong phạm vi toàn quốc để triển khai chương trình giai đoạn 2010 - 2020.
“Làn sóng” NTM, từ khi bắt đầu có chủ trương, đã lan tỏa nhanh. Chính quyền và người dân nhiều nơi nhiệt liệt hưởng ứng. Một số nơi, dù không được chọn làm thí điểm cũng tích cực triển khai chương trình, chủ yếu là xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn và mô hình sản xuất. Đến nay, ở một số xã điểm, sau quá trình bỡ ngỡ ban đầu, chính quyền và nhân dân đã “lấy đà”, chuẩn bị bứt phá. Cụ thể, cuối tháng 8-2010, UBND tỉnh Hậu Giang đã công nhận 3 xã: Vị Thanh (huyện Vị Thủy), Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ) và Tân Tiến (TP Vị Thanh) đạt chuẩn NTM của địa phương (đạt 13/19 tiêu chí).
Tại xã Vị Thanh, từ khi triển khai xây dựng NTM, sản xuất công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng mạnh; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 15 triệu đồng/người/năm (cao gấp 2 lần so với thời điểm bắt đầu xây dựng); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,7%; các tiêu chí như phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng mở rộng đều đạt 100%. Tại xã Vĩnh Viễn, mức thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 5,5 triệu đồng/người (năm 2005) lên 12,7 triệu đồng/người vào năm 2010.
Tại Bạc Liêu, Đảng bộ và chính quyền huyện Phước Long đã chủ động ban hành đề án về xây dựng NTM phát triển toàn diện với 30 tiêu chí, trong đó có 8 tiêu chí về lĩnh vực kinh tế. Từ đó, huyện phát huy được tiềm năng, lợi thế trên cả hai vùng sản xuất. Đến nay, kinh tế huyện phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng đạt 15% - 16%; thu nhập bình quân 15,5 triệu đồng/người/năm, gấp 2,5 lần so với năm 2005. Huyện đã tạo được bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng hóa cây trồng - vật nuôi, nhân rộng mô hình sản xuất kết hợp bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích. Phước Long đã huy động mọi nguồn lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Các công trình ở ấp, xã đều được xây dựng theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đến nay, đường ở tất cả các ấp, xã trong huyện đều được bê tông hóa, người dân có thể dễ dàng đi lại trong cả hai mùa mưa nắng.
An Giang là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL được chọn xây dựng NTM. Tỉnh đang phát động phong trào thi đua thực hiện chương trình này. Theo đó, từng sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động riêng cho địa phương, đơn vị, đồng thời triển khai đến tận huyện, xã. Thực tế xây dựng NTM ở huyện Phú Tân - một trong những vùng khó khăn nhất của An Giang cho thấy, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm và phấn đấu đạt 52 triệu đồng/người/năm vào năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn dưới 5%. Phấn khởi nhất, toàn huyện đã cơ bản hoàn chỉnh đê bao kiểm soát lũ cho toàn bộ diện tích sản xuất vụ 3; xây dựng, nâng cấp hệ thống các công trình điện - đường - trường - trạm; đầu tư 29 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, bố trí 5.061 nền cơ bản và 2.108 nền linh hoạt, giúp đồng bào nghèo, khó khăn có chỗ ở ổn định. Hiện An Giang đang tiến hành thành lập “Đội đặc nhiệm xây dựng NTM” trực thuộc UBND tỉnh để giúp địa phương triển khai sâu rộng chương trình này.
Đề án linh hoạt
Tuy nhiên, quá trình xây dựng NTM không thể theo phong trào mà phải là thực chất. “Muốn xây dựng được NTM, phải có người nông dân mới, người nông dân phải am hiểu, sử dụng được kiến thức và thiết bị khoa học - kỹ thuật, ý thức, tư duy của người nông dân cũng phải thay đổi” - TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nhìn nhận.
Theo nhận định của Ban chỉ đạo Trung ương, phát triển sản xuất và tổ chức sản xuất là vấn đề khó nhất trong xây dựng NTM, do đó Ban chỉ đạo Trung ương đã tập trung đôn đốc Bộ NN-PTNT và Ban chỉ đạo ở các tỉnh đầu tư nhiều công sức và sáng kiến trong lĩnh vực này. Nhờ vậy, đến tháng 6-2010, mỗi xã điểm đã có ít nhất 2 - 3 dự án, điểm trình diễn về sản xuất nông nghiệp được thực hiện. Ngoài phát triển nông nghiệp, các xã đã bước đầu quan tâm đào tạo nghề cho nông dân gắn với phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để chuyển dịch cơ cấu lao động. Bến Tre là tỉnh đầu tiên ở Nam bộ đang triển khai thí điểm đào tạo nghề theo hình thức cấp thẻ cho nông dân với lĩnh vực đào tạo đa dạng, gắn với đặc điểm kinh tế, sản xuất của địa phương.
Ông Nguyễn Phong Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhận xét: “Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và chuyển dịch cơ cấu lao động ở các nông thôn không phải việc một sớm một chiều mà cần thực hiện lâu dài. Kết quả đạt được về sản xuất vừa qua ở các xã điểm mới chỉ là bước đầu, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp truyền thống, quy mô nhỏ. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở các xã còn ít và khó khăn do lợi nhuận ở khu vực này không cao, rủi ro nhiều”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Minh Đoàn, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, đánh giá: “Xây dựng nông thôn mới là vấn đề phức tạp vì liên quan đến nhiều ngành, nhiều chính sách và hoạt động có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến khu vực nông thôn và đời sống của người dân. Do đó, người dân nông thôn đóng vai trò chủ thể trong quá trình xây dựng NTM. Ngoài phần đầu tư của trung ương và địa phương, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới cấp xã được thực hiện theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng là chính. Do vậy, việc khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức vươn lên của người dân hết sức cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện đề án”.
Theo TS Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), sau 2 năm thực hiện triển khai thí điểm mô hình xây dựng NTM, cái khó là làm thế nào hình dung được phương pháp thực hiện vì ngay cả khái niệm NTM cũng không đơn giản, không có sẵn. Ông Bình cho biết thêm: “Lý luận về nông thôn cũng bắt nguồn từ thực tiễn tổng kết nên đòi hỏi vừa làm thực địa, vừa khái niệm lên. Hơn nữa, cần hỗ trợ người dân ra sao để họ thực sự làm chủ, tự làm, kể cả khi không có sự trợ giúp. Xây dựng NTM phải xoay quanh nông dân, lấy đối tượng này làm trọng tâm của vấn đề thì mới tìm ra được mô hình chuẩn”.
Theo đó, người dân tham gia đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, tham gia đầu tư các công trình công ích như giao thông, thủy lợi…, tham gia các hoạt động y tế, giáo dục, môi trường. NTM xây dựng trên tiến trình lịch sử, chứ không chỉ giai đoạn này.
Vấn đề hiện nay là trên cơ sở thí điểm, các địa phương, Ban Chỉ đạo Trung ương sẽ đúc kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai rộng hơn chương trình trong năm 2011. Việc nhanh chóng triển khai quy hoạch làng xã cũng là điều kiện cấp thiết để tránh phát triển theo kiểu tự phát, tầm nhìn hạn chế, thiếu đồng bộ và bền vững. Trong tháng 12 này, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ xây dựng đề án và phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM” và hình thành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ với các cơ quan của Đảng, nhằm huy động cả hệ thống chính trị vào thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM trong thời gian tới.
Kể từ năm 2001, Ban Kinh tế Trung ương cùng với Bộ NN-PTNT, các bộ, ngành và địa phương đã bắt đầu triển khai xây dựng mô hình điểm “Phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác hóa, dân chủ hóa” tại 218 xã điểm. Tuy nhiên, do không có nguồn lực đảm bảo nên hầu hết các mô hình cấp xã đều không có tính khả thi. Đến năm 2007, Bộ NN-PTNT triển khai thí điểm đề án xây dựng NTM cấp thôn, bản theo phương pháp tiếp cận dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ. Đề án thí điểm này được triển khai ở 17 thôn thuộc 14 tỉnh đại diện cho các vùng kinh tế văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chí thôn, bản đạt chuẩn NTM nên việc xác định mục tiêu, kế hoạch phát triển dài hạn, ngắn hạn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khái niệm, nội hàm NTM còn hiểu theo nhiều cách khác nhau, thiếu thống nhất. Tháng 4-2009, Thủ tướng đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia (gồm 19 tiêu chí) về NTM. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2020 sẽ được thực hiện ở tất cả các xã trên phạm vi toàn quốc. |
Trần Minh Trường