Hội nghị các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc - ASEAN được tổ chức tại Côn Minh, Trung Quốc, đã kết thúc ngày 15-6 mà không thông qua tuyên bố chung.
Bộ Ngoại giao Malaysia thông báo Ban thư ký ASEAN chỉ đạo thu hồi tuyên bố chung trước đó, đồng thời cho biết sẽ có “những sửa đổi khẩn cấp” và sẽ có một bản tuyên bố chung khác. Tuy nhiên, không có tuyên bố chung nào được đưa ra và phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Malaysia nói rằng, các nước có thể ra thông báo cá nhân. Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, đồng chủ trì hội nghị cùng ông Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, giờ chót đã không xuất hiện trong cuộc họp báo.
Theo Reuters, trong tuyên bố chung bị thu hồi chỉ 3 giờ sau khi công bố, Malaysia nhấn mạnh các quốc gia ở Đông Nam Á có “những quan ngại nghiêm trọng” về các sự kiện gần đây trên biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được công nhận, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”... Trái với lời ngụy biện của Trung Quốc rằng, tuyên bố ban đầu không phải là tài liệu chính thức của ASEAN và không hề gây áp lực cho các nước thành viên, tờ Bloomberg dẫn lời một quan chức ASEAN cho biết, các bộ trưởng ban đầu thống nhất nội dung bản tuyên bố nhưng nó bị rút lại sau khi nước chủ nhà Trung Quốc “vận động hành lang” với một số nước. Ngày 16-6, tờ The Straits Times dẫn lời một quan chức ASEAN cho biết, cuối cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đưa ra một “bản đồng thuận 10 điểm” và đề nghị các Ngoại trưởng ASEAN cân nhắc thông qua. Theo báo này, ASEAN không thể chấp nhận “bản đồng thuận 10 điểm” của Bắc Kinh và do bất đồng, Ngoại trưởng Singapore không tham gia đồng chủ trì cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc.
Chuyên gia về Đông Nam Á Carl Thayer, Giáo sư tại Đại học New South Wales ở Australia cho rằng, Trung Quốc có thể đã phản đối “một tuyên bố cứng rắn chỉ trích quan điểm của Bắc Kinh về biển Đông ngay tại sân nhà”, khiến Ban thư ký ASEAN rút lại tuyên bố trước đó. Còn Alex Neil, chuyên gia nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Singapore nhận định, Trung Quốc đang tìm cách loại bỏ bất kỳ đề cập nào đến biển Đông trong các tuyên bố của ASEAN. Theo ông, Bắc Kinh đang song phương gây áp lực lên các nước thành viên, dần dần sẽ xói mòn sự thống nhất về tầm nhìn trong ASEAN. Năm 2012, cuộc họp thường niên giữa ngoại trưởng các nước ASEAN đã kết thúc trong sự hỗn loạn khi nước chủ nhà Campuchia ngăn cản một tuyên bố chung cứng rắn về tình hình căng thẳng trong khu vực. Đó cũng là lần đầu tiên trong vòng 45 năm, các ngoại trưởng ASEAN không đưa ra tuyên bố chung.
Hội nghị lần này nhằm chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Trung Quốc sẽ diễn ra vào tháng 9 tới tại Lào. Nhưng việc ASEAN một lần nữa không đưa ra được tuyên bố chung về tình hình biển Đông khiến dư luận khá thất vọng. Tờ Wall Street Journal nhận định, áp lực của Trung Quốc lên chính phủ các nước Đông Nam Á về vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã phơi bày được điểm yếu của khu vực về khả năng quản lý an ninh và giải quyết các vấn đề ngoại giao nhạy cảm. Bản tuyên bố không xác nhận một cách rõ ràng thẩm quyền của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) hay kêu gọi Trung Quốc chấp nhận tính ràng buộc của phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc cho thấy sự đồng thuận chung tối thiểu của ASEAN vẫn còn tương đối thấp. Sự thất bại lần này cũng phản ánh sự bất lực của ASEAN trong quá trình giải quyết các vấn đề tranh cãi khác.
HẠNH CHI