(SGGP).- Ngày 3-11, Hội nghị kinh tế đối ngoại Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016 với chủ đề “Ra khơi thuận buồm xuôi gió”, do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Tạp chí The Economist (Vương quốc Anh) phối hợp tổ chức đã khai mạc tại TPHCM. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các tổ chức tài chính, kinh tế quốc tế, các chuyên gia, học giả trong lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế…
Hội nghị có 6 phiên thảo luận chính: Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu; tương lai của công nghiệp sản xuất; nông nghiệp Việt Nam; kinh doanh; xây dựng thương hiệu Việt Nam; Thế giới và địa chính trị. Hội nghị lần này nhằm đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, muốn tìm hiểu sâu hơn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, củng cố và tạo lòng tin cho cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đối thoại và trực tiếp giải đáp những câu hỏi của các học giả, lãnh đạo doanh nghiệp. Ảnh: Hải Minh
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Jon Fasman, Trưởng văn phòng khu vực Đông Nam Á, Tạp chí The Economist cho biết, Hội nghị kinh tế đối ngoại Diễn đàn cấp cao Việt Nam 2016 là cơ hội cho Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, học giả tìm hiểu những vấn đề cấp bách nhất của đất nước, cùng thảo luận về cơ hội và thách thức đối với Việt Nam, tìm ra câu trả lời cho tương lai phát triển của đất nước.
Phát biểu mở đầu chương trình hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư có sân chơi bình đẳng. Thời gian tới, việc thu hút đầu tư phải đi kèm với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư có kỹ thuật cao, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực trong nước. Các địa phương thu hút đầu tư nhưng phải có sự liên kết các vùng với nhau. Trước đây, phát triển kinh tế của Việt Nam dựa vào nhân công giá rẻ và dùng nhiều vốn, nhưng nay Việt Nam phải thay đổi mô hình phát triển và phát huy hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất và hàm lượng tri thức trong phát triển kinh tế, kết hợp cả chiều rộng và sâu.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Việt Nam đang có mục tiêu giảm tỷ lệ lao động làm nông nghiệp từ 70% xuống còn 40%. Để thực hiện việc chuyển dịch người làm nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Trả lời câu hỏi liên quan đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, Việt Nam tham gia vào đàm phán cũng như ký kết Hiệp định TPP với mong muốn thúc đẩy tự do thương mại giữa các nước. Hiệp định này mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam cũng như kinh tế các nước thành viên. Việt Nam mong muốn hiệp định TPP sẽ được các nước phê chuẩn. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, không có TPP thì Việt Nam vẫn tiếp tục đường lối đổi mới, hội nhập kinh tế sâu và rộng như đề ra. Việt Nam vẫn còn có hiệp định thương mại tự do khác với Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu…
Tại hội thảo, hầu hết các chuyên gia, tổ chức kinh tế thế giới nhìn nhận khả quan về nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Các chuyên gia phân tích rằng, Việt Nam đang tiến gần dòng chảy toàn cầu, vì chúng ta đang có các cơ hội từ các thỏa thuận thương mại như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có Nhật Bản và Hoa Kỳ là hai đối tác thương mại quan trọng nhất. Các chuyên gia cũng cho rằng, các cải cách kinh tế trong nước cũng đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và thu hút nhiều nhà đầu tư.
THANH HẰNG - HÀN NI