Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC - Sóc Trăng 2014) sẽ diễn ra từ ngày 5 đến 7-11 tại tỉnh Sóc Trăng. Diễn đàn lần này có 10 hoạt động trọng tâm, trong đó tập trung vào các vấn đề thời sự, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ĐBSCL, TPHCM và Hà Nội tiếp cận đầu tư vào vùng nông sản trù phú của ĐBSCL. Phóng viên báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Phó trưởng Ban Tổ chức MDEC - Sóc Trăng 2014.
Một tiết mục văn nghệ của đồng bào Khmer.
- Phóng viên: Thưa ông, Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL năm nay sẽ có nhiều hoạt động mới mẻ, ông có thể cho biết những điểm nhấn của diễn đàn và vai trò của tỉnh Sóc Trăng với tư cách là địa phương đăng cai?
>> Ông LÂM VĂN MẪN: Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL là sự kiện được tổ chức hàng năm theo Quyết định số 388/QĐ-TTg ngày 25-3-2010 của Thủ tướng Chính phủ, do Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành Trung ương, UBND TPHCM và UBND 13 tỉnh, thành vùng tổ chức. Đây là hoạt động nhằm tăng cường hợp tác và liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL; giữa vùng ĐBSCL với các bộ, ngành Trung ương và các vùng, địa phương cả trong nước, cũng như với quốc tế.
MDEC đã qua 7 lần tổ chức tại TPHCM, TP Cần Thơ và các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang, Vĩnh Long. Năm nay, MDEC được tổ chức tại Sóc Trăng từ ngày 5 đến ngày 7-11-2014 với chủ đề: “Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL”. Bên cạnh việc nỗ lực làm tốt công tác hậu cần, lễ tân với tư cách địa phương đăng cai, tỉnh sẽ tham gia tích cực vào các hoạt động hội nghị, hội thảo bằng các nội dung tham luận, qua đó đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL. Dịp này, tỉnh sẽ tiếp tục quảng bá về lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo đặc trưng của địa phương.
- Việc tổ chức diễn đàn được tỉnh chuẩn bị ra sao thưa ông?
Đến thời điểm này đã thực hiện chu đáo các hoạt động chính như: lễ khai mạc, các hội nghị, hội thảo; đảm bảo an ninh trật tự, công tác hậu cần lễ tân, vận động tài trợ…
Tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức các hoạt động do tỉnh chủ trì như: Hội thảo khoa học bác sĩ nông học Lương Định Của, lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe ngo, hội chợ triển lãm; khởi công Bệnh viện Đa khoa Trần Đề, lễ công nhận 3 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới… nhân sự kiện MDEC lần này.
- Lượng du khách đến sẽ rất đông, việc đảm bảo chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, an ninh trật tự… được tỉnh chuẩn bị ra sao?
MDEC - Sóc Trăng năm 2014 là một sự kiện quy mô lớn. Bên cạnh việc chuẩn bị tốt nhất cho các chương trình hoạt động tại MDEC, Ban tổ chức cũng rất chú trọng đến việc đảm bảo an toàn, thuận tiện cho khách tham quan đến Sóc Trăng; vận động các khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ chuẩn bị đón tiếp, đáp ứng các yêu cầu của du khách. Việc bảo đảm an ninh trật tự cũng được các ngành chức năng và các địa phương chú trọng. Tỉnh đẩy mạnh công tác trấn áp tội phạm, tăng cường công tác tuần tra, tổ chức tuyên truyền vận động người dân ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, tham quan, giao lưu, tìm hiểu của du khách tại MDEC.
- Lễ hội đua ghe ngo năm nay sẽ tổ chức như thế nào?
Đua ghe ngo - nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer.
Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo hoạt động truyền thống đã có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer. Tại MDEC năm nay, tỉnh Sóc Trăng lồng ghép lễ hội này như một hoạt động chính thức, nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa độc đáo của địa phương, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và khu vực.
Giải đua ghe ngo lần này được tổ chức với quy mô khu vực, không hạn chế số lượng tham gia, bao gồm 1.200m đối với nam và 1.000m đối với nữ. Dự kiến sẽ có từ 50 - 60 đội nam và 10 đội nữ từ Sóc Trăng và các tỉnh, thành trong khu vực tham dự. Giải được tổ chức trong 2 ngày 5 và 6-11. Bên cạnh đó, tỉnh còn tổ chức các hoạt động như lễ hội đường phố, lễ dâng bông và lễ cúng trăng theo đúng các nghi thức cổ truyền nhằm giới thiệu văn hóa đồng bào dân tộc Khmer đến các du khách. Dự kiến có khoảng 150 người, gồm các vị sư sãi, a cha, các diễn viên và bà con đồng bào Khmer tham gia các hoạt động trên.
- Xin cảm ơn ông !
CAO PHONG