Điện hạt nhân vẫn là một lựa chọn

Trước khi có cuộc khủng hoảng Fukushima hồi tháng 3-2011, điện hạt nhân đóng góp 30% sản lượng điện của Nhật Bản. Sau vụ này, hàng loạt các cuộc biểu tình chống điện hạt nhân đã buộc Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Naoto Kan tuyên bố Nhật Bản sẽ chấm dứt sử dụng điện hạt nhân vào năm 2040 và ra lệnh ngừng hoạt động toàn bộ 50 lò phản ứng hạt nhân của nước này để kiểm tra an toàn. Sau đó, tới lượt Đức cho đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân và tuyên bố sẽ chấm dứt sử dụng điện hạt nhân vào năm 2022.

Tuy nhiên, đến nay, tình hình có vẻ đã khác. Hậu quả của vụ rò rỉ phóng xạ Fukushima cho tới lúc này có lẽ không lớn như người ta dự báo, ngay cả tại địa điểm có nhà máy. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra một kế hoạch mới sẽ thúc đẩy Nhật Bản khởi động lại hàng chục lò phản ứng hạt nhân sau thời gian đóng cửa và không loại trừ khả năng xây dựng các lò phản ứng mới trong tương lai.

Không những Chính phủ của đảng Dân chủ tự do là lực lượng ủng hộ điện hạt nhân, trong cuộc bầu cử thị trưởng Tokyo vào đầu tháng 2, người giành chiến thắng là ông Yoichi Masuzoe cũng thuộc lực lượng ủng hộ điện hạt nhân.

Tạp chí Time trích báo cáo của Hội đồng năng lượng thế giới đưa ra năm 2012 cho thấy toàn thế giới đang xây dựng 558 lò phản ứng hạt nhân, tăng so với con số 547 sau khi vừa xảy ra thảm họa Fukushima. Nếu như các nước đang phát triển phải xây dựng lò phản ứng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng tăng mạnh đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế không gây ngạc nhiên nhưng ngay tại Mỹ, một nhà máy điện hạt nhân mới cũng đang được xây dựng lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua. Tại Anh, Thủ tướng Anh David Cameron đang vận động xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới.

Có lẽ nguyên nhân kinh tế là động lực chính thúc đẩy những người ủng hộ điện hạt nhân hành động. Từ khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân vào tháng 3-2011 đến cuối năm 2013, do phải nhập dầu và khí đốt bù vào phần năng lượng thiếu hụt làm cho Nhật Bản thâm hụt thương mại lên đến 204 tỷ USD. Chưa kể chi phí phát điện tăng hơn 50% và lượng khí thải CO2 của Nhật Bản tăng 100 triệu tấn do khí thải từ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng dầu khí.

Kết quả một cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học tại Học viện khoa học quốc gia Nhật Bản dường như đang ủng hộ Chính phủ Nhật Bản. Theo như kết quả này, lượng phóng xạ rò rỉ tại Fukushima và tác động lâu dài của nó tới sức khỏe con người rất hạn chế.

Nghiên cứu trên cùng với nhiều nghiên cứu trước đó chứng minh rằng Chính phủ Nhật Bản đã thành công trong việc sơ tán người dân gần nhà máy Fukushima và hạn chế sử dụng thực phẩm khu vực này. Từ ngày 1-4, 1.300 trong tổng số 138.000 người sơ tán khỏi khu vực này cũng sẽ được phép trở về nhà.

Nhìn chung, điện hạt nhân vẫn còn có những cản ngại lớn, nhất là sự an toàn nhưng các nhà khoa học cho rằng trong lúc chưa có bước đột phá nào về các loại năng lượng tái tạo vốn còn quá đắt đỏ và công suất thấp, điện hạt nhân vẫn là một lựa chọn vừa đáp ứng phát triển kinh tế vừa giảm khí phát thải CO2.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục