Môn điền kinh chính thức bước vào thi đấu tại Olympic 2016. Thể thao Việt Nam có Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ) và Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào) giành được chuẩn tham dự.
Trưởng bộ môn Điền kinh Dương Đức Thủy từng phân tích, đấu trường Olympic hoàn toàn không dễ cho từng VĐV điền kinh mỗi quốc gia. Đạt chuẩn tham dự Olympic là điều vinh dự nhưng tuyển thủ của chúng ta phải thể hiện được vinh dự ấy qua kết quả thi đấu. Ở đây, chúng ta không phân tích nhiều vào cuộc đấu của Ngưng và Huyền. Rõ ràng, điền kinh đang là nhóm môn số 1 của thể thao Việt Nam. Nhưng, sự đầu tư vẫn là chưa đủ. Mỗi năm môn này được rót ngân sách trên dưới 160.000 USD. Để phát triển những nội dung có thể tranh chấp vé Olympic thì số tiền trên là thiếu. Vẫn biết, ngân sách được cân đối và chi phí cho các môn thể thao phải công bằng nhưng chưa khi nào, VĐV điền kinh thiếu sức hút với người hâm mộ. Điền kinh Việt Nam chỉ mong nhất một lần có tuyển thủ vào bán kết một nội dung và Vũ Thị Hương từng làm được tại Olympic 2008. Người làm nghề vẫn mong kết quả cao hơn nữa vì điền kinh không thể yếu thế.
VĐV Nguyễn Thị Huyền.
“Chúng ta từng có nhiều VĐV tốt của điền kinh như Bùi Thị Nhung, Nguyễn Duy Bằng, Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng... nhưng trong nhiều giai đoạn trước, nhà quản lý thể thao thiếu một định hướng cụ thể để đầu tư mạnh nhằm đột phá với thể thao Olympic. Tôi luôn nhìn nhận, tiến tới thể thao Olympic là một cuộc trường chinh dài hơi khó khăn và đầy vất vả. Hiện tại, ngành thể thao đã dồn sức nhiều hơn đầu tư các môn cho Olympic (trong đó có điền kinh). Tín hiệu trên rất mừng. Nhưng tôi nghĩ sự đầu tư cần mạnh hơn nữa thì hy vọng VĐV mới tiệm cận một kết quả tốt nhất tại Olympic” - nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh phân tích.
|
MINH CHIẾN