Huyện Hòa Vang, miền Tây Đà Nẵng được xem là cái xứ “vừa trung du vừa đồng bằng”. Chỉ vài ba năm qua, vùng nông thôn duy nhất của TP Đà Nẵng nay đã phát triển vượt bực. Xóm làng ở Hòa Vang như được khoác chiếc áo mới tinh tươm, tươi đẹp.
1. Từ trung tâm TP Đà Nẵng, ngược con đường 2 Tháng 9, rồi qua cung đường Cách Mạng Tháng Tám, băng lên cầu vượt Hòa Cầm là đến đường Trường Sơn - quốc lộ 14B - dẫn về huyện Hòa Vang. Con đường nhựa phẳng lì, chẳng còn dốc dương thuở trước. Con dốc Võng - nỗi ám ảnh của người dân Hòa Vang - nay cũng chẳng còn võng nữa. Xe cứ bon bon trên đường.
Chỉ cách trung tâm TP chừng 20km nhưng Hòa Vang mấy chục năm qua vẫn là vùng nông thôn quê mùa. Hòa Vang có 11 xã thì chỉ có 3 xã là đồng bằng, còn lại là vùng trung du đất đồi cằn cỗi. Vì thế, đã nhiều năm rồi, cái miền quê ấy vẫn cứ “quê mùa” ngay cả khi TP Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 đã ngót ngét 20 năm. Đi đâu xa, ai hỏi thăm quê, người Hòa Vang hay nửa đùa nửa thật: “Dân TP gốc quê chính hiệu!”.
Ấy vậy mà chỉ một vài năm qua, vùng nông thôn quê mùa Hòa Vang bỗng chốc thay da đổi thịt. Những con đường làng bùn đất lầy lội năm nào được thay bằng con đường bê tông phẳng phiu như dải lụa vắt qua cánh đồng vàng chín. Những người con xa quê, có mơ cũng không dám nghĩ quê mình lại đổi thay nhanh đến vậy. Chỉ xa quê mấy năm quay về, lúng túng giữa ngã ba đường chọn lối vì chẳng thể nhớ con đường dẫn về làng.
Đường giao thông liên thôn, liên xã ở Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng) được mở rộng khang trang.
Từ ngã tư Hòa Khương, rẽ trái về hướng đập Bara An Trạch, rẽ phải lên hồ Đồng Nghệ. Con đường thênh thang rộng với đèn đường sáng trưng. Chẳng thể nhận ra đây là con đường gập ghềnh ổ gà, ổ voi năm nào. Hai bên đường, những con đường bê tông dẫn vào xóm làng được thảm bê tông rộng thênh. Hai bên đường những dãy nhà cao tầng kiên cố mọc lên thay những ngôi nhà cấp bốn ọp ẹp. Chẳng khác nào khu phố mới, sáng trưng.
2. Ghé vào nhà đứa bạn học thời phổ thông nay là Phó Văn phòng Huyện ủy Hòa Vang. Ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng nay đã trở thành căn nhà hai mặt tiền. Vẫn cấp 4 nhưng tường rào cổng ngõ khang trang. Có điều, mặt tiền nhà chỉ còn 1 nửa, nửa còn lại là con đường 7,5m dẫn về thôn Gò Hà, căn cứ chống Mỹ nổi tiếng một thời. Hỏi ra mới biết, bạn đã hiến 240m² đất, hơn 1/3 mặt tiền ngôi nhà mình để mở rộng đường liên thôn từ 2m lên 7,5m.
“Nhà nước có đền bù chi không?”, tôi hỏi. Bạn cười: “Không, mình hiến đất mà. Để mở con đường này, không chỉ nhà mình mà hàng trăm hộ dân khác cùng nhau hiến đất để mở đường. Mình ở đầu đường, là đảng viên, lại là cán bộ nên mình xung phong. Đường rộng, giao thông thông suốt, đi lại yên tâm hơn, nhất là mùa mưa lũ. Chừ lúa ngoài đồng cũng chẳng phải gánh gồng cực khổ như trước đây mà xe máy, xe tải có thể ra tận đồng để chở lúa về nhà. Như rứa, nói là hiến đất nhưng thực ra là mình hiến cho mình chứ có phải hiến cho ai đâu”.
Con đường làng ẩn nấp dưới bụi tre thâm u đầy rắn rết năm nào nay là con đường bê tông rộng 7,5m kéo dài cho đến cuối thôn. Nhà dân hai bên đường được xây dựng khang trang, nhà nào cũng tường rào cổng ngõ ngăn nắp, sạch sẽ. Đứng trước ngõ nhìn ra con đường tăm tắp, ông Nguyễn Văn Mười (thôn Gò Hà) vui cười: ‘Con đường ni cách đây mấy tháng là con đường đất. Dân ở đây khổ cực đã mấy chục năm rồi. Đến bao lúa ngoài đồng muốn đưa về nhà cũng không có đường mà đi, phải vác. Nay thì xe tải tới ruộng chở về. Nhìn con đường khang trang như ri dân tui ai cũng nghĩ là mình đang mơ”.
Bà con kể, hồi năm ngoái, nghe xã tuyên truyền xây dựng nông thôn mới nhưng dân không biết nó là cái chi, mới như thế nào. Đến đầu năm rồi, cán bộ về họp dân bảo sẽ mở đường rộng theo phương thức “Nhà nước, nhân dân cùng làm”. Dân nghe mở đường là đồng ý cái rụp. Rồi dân tự động tháo bờ rào bàn giao mặt bằng để làm đường. Con đường cũ qua nhà ông Mười cong nhiều, cán bộ kỹ thuật cứ theo đường cũ mà làm. Thấy con đường mới vẫn cong, ông Mười ra bảo cán bộ kỹ thuật: “Tại sao con đường mới vẫn làm cong?”, cán bộ kỹ thuật trả lời: “Muốn nắn thẳng thì đường ăn vào đất nhà chú nhiều quá, cả trăm mét”. Ông Mười sừng sộ: “Các ông cứ làm. Đất của tui, tui không tiếc, mắc chi mấy ông tiếc?”. Nghe ông Mười nói xong, cán bộ kỹ thuật chẳng hiểu được tại sao dân ở đây thoáng quá. Thế là con đường trở thành thẳng.
3. Ông Đinh Ngọc Thiên, Chủ tịch UBND xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) vui mừng, khi có chương trình xây dựng Nông thôn mới, Nhà nước hỗ trợ 100% xi măng, cát sạn, người dân thì hiến đất, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu. Ai ai cũng hưởng ứng. Gần phân nửa số hộ dân của xã hiến đất làm đường. Người ít thì vài chục mét, người nhiều lên đến hàng trăm mét; huyện về rồi TP về tặng giấy khen. Ông Trần Văn Trường, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết thêm, đến nay Hòa Vang đã có được 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 19/19 tiêu chí).
Đến nay, Hòa Vang đã hoàn thành 68km đường giao thông nông thôn, 23km đường liên thôn, 10km đường nội đồng. Toàn bộ đường đều có lề, chiều rộng của đường hẹp nhất là 3,5m, đường rộng nhất là 10,5m. Trong số tiền 95 tỷ đồng đầu tư làm đường giao thông nông thôn, người dân ngoài hiến đất còn đóng góp gần 20 tỷ đồng. “Chúng tôi rất mừng khi các xã xây dựng nông thôn mới của địa phương đều về đích sớm. Nếu không có sự đồng thuận ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của người dân thì khó có thể về đích đúng thời hạn chứ đừng nói là về sớm như hiện nay. Tôi cảm ơn người dân vì chính họ đã cùng làm nên một diện mạo mới cho nông thôn Hòa Vang”, ông Trần Văn Trường nói.
NGUYÊN KHÔI