Thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại TPHCM

Diện mạo phố phường đã đổi thay

Chủ trương đi vào lòng dân

Đến hẹn lại lên, chương trình tọa đàm “Nói và làm” đầu tháng 10 do Thường trực HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM thực hiện, đã đánh giá hiệu quả cuộc vận động “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị tại TPHCM” sau gần 3 năm triển khai. Hầu hết các đại biểu nhìn nhận: Cuộc vận động đã tạo diện mạo mới cho TP, TP đã xanh hơn, sạch hơn. Và không chỉ có thế…

Chủ trương đi vào lòng dân

Mở đầu chương trình, Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhận định: Cuộc vận động đã có những bước tiến độ đáng kể. Một bộ phận khá đông người dân đã có ý thức giữ gìn môi trường sống. TP xanh hơn, sạch hơn, trật tự hơn không phải chỉ trong khu vực nội thành mà còn ở nhiều tuyến đường ngoại thành Nhà Bè, Củ Chi... Chuyên gia đô thị Nguyễn Minh Hòa (Trường ĐH KHXH-NV TPHCM) khẳng định: Cuộc vận động bước sang năm thứ 3, đã làm cho nhận thức của người dân nâng lên rõ rệt. 2/6 hành vi đề ra để loại bỏ trong năm là rải vàng mã trên đường phố và bán hàng rong trước cổng trường đã dần bị triệt tiêu. Hành vi rải vàng mã tại các quận trung tâm dường như không còn nữa. “Khi người dân kiên quyết từ bỏ những thói quen được hình thành từ lâu đời chứng tỏ người dân rất yêu TP này, chứng tỏ cuộc vận động đã đi vào lòng người. Một số khu vực tại trung tâm TP có những mảng xanh đẹp không khác nào Singapore!” - ông Nguyễn Minh Hòa nói. Ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho rằng: Công tác thu gom rác ngày càng thực hiện tốt hơn, hạn chế tình trạng rác rơi vãi trên mặt đường, công tác thu gom đã được thực hiện vào ban đêm nên góp phần làm cho TP sạch đẹp hơn.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Chủ tịch UBND quận 1, cho biết: Tại khu vực trung tâm TP, thời gian qua, hàng ngàn thùng rác, hơn 50 nhà vệ sinh công cộng được tăng cường đã tạo điều kiện cho người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Đối với Bình Tân, quận vừa được thành lập, với suy nghĩ khi nhà nước đầu tư tốt hạ tầng sẽ tạo điều kiện để người dân thực hiện nếp sống văn minh nên lãnh đạo quận này đã chọn việc làm đường, nâng cấp hẻm là hướng đi trong việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Do vậy, từ khi thành lập đến nay quận đã nâng cấp được 1.200 tuyến hẻm. Còn lại 1.800 tuyến hẻm, nghị quyết của quận đề ra sẽ cải tạo toàn bộ từ này đến năm 2015.

Trong khi đó, tại Bến xe miền Đông, Bình Thạnh, việc xây dựng bến xe văn minh, hiện đại từ những việc nhỏ như: trang bị đồng phục cho lực lượng xe ôm, hàng rong đến việc cải tạo mảng xanh trong khuôn viên bến, sắp xếp sân bãi hợp lý, quy định khu hành khách không hút thuốc lá, nhà vệ sinh lúc nào cũng sạch sẽ… Ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Giao thông Sở GTVT, nhận định: Những năm gần đây, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân TP đã được nâng lên đáng kể. Mặc dù còn một bộ phận nhỏ người dân chưa chấp hành luật giao thông, nhưng đa số người dân chấp hành tốt, thể hiện rõ nét qua các hành vi như dừng đúng vạch, không vượt đèn đỏ…

Phải chung tay...

Tuy nhiên, theo Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo, cần tạo sự bền vững bằng ý thức, thói quen, bằng sự tự giác đối với cuộc vận động này. Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Thế Tuyển nhấn mạnh: Xây dựng nếp sống văn minh đô thị không phải trách nhiệm của một cá nhân, một sở ngành nào mà cần sự chung tay. Trong quá trình thực hiện chúng ta phải có bước đi vừa dài vừa ngắn.

Theo kinh nghiệm của các nước đi trước, khi thực hiện kế hoạch vĩ mô, đôi khi người ta quên đi đô thị cũ và tập trung xây dựng đô thị mới, đô thị vệ tinh văn minh hiện đại để giãn dân, sau đó quay về đô thị cũ cải tạo. Bước đi ngắn là phải giải quyết dứt điểm từng hành vi kém văn minh. “Tôi đồng tình với ý kiến của Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt là đến lúc cần chế tài, phạt mạnh” - ông Trần Thế Tuyển nhấn mạnh. Theo ông, suốt 3 năm qua, Báo SGGP đã đeo bám đề tài này, ngoài phản ánh thực trạng và tìm giải pháp, báo đã cố gắng tìm kiếm các điển hình để nhân rộng. Tuy nhiên, đã đến lúc cần thực hiện nghiêm việc chế tài bằng nhiều hình thức để răn đe.

Bà Phạm Thị Lệ Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, nói: “Tôi rất tâm đắc hai từ chung tay của ông Trần Thế Tuyển khi xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Tuy nhiên, theo bà không nên đặt nặng giải pháp xử phạt mà phải nâng nhận thức trong mỗi người dân. Khi nhận thức được nâng lên mọi người sẽ tự giác “chung tay”. “Kinh nghiệm tại Trường Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều học sinh khi ăn uống hay xả rác bừa bãi, chúng tôi tổ chức tuần lễ nhặt rác để tạo ý thức cho các em. Khi các em nhặt rác thấy mệt quá nên không còn xả rác nữa” - bà Nhân nói.

Ông Nguyễn Minh Hòa nói thêm: Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị là một cuộc cách mạng để mọi người dân ý thức với môi trường sống, ứng xử văn minh hơn… Tuy nhiên, muốn xây dựng nếp sống văn minh đô thị thành thương hiệu quốc gia thì phải từ những việc làm cụ thể, từ con người cụ thể. Trong năm 2011, nhóm nghiên cứu của ông sẽ tiếp tục đề ra một số hành vi khác kém văn minh để loại bỏ, có thể là vận động người dân sử dụng túi thân thiện môi trường thay thế dần túi ni lông… Riêng ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho rằng cần sáp nhập các ban chỉ đạo có chức năng gần giống nhau để công tác chỉ đạo vấn đề này được tốt hơn.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục