Sau hơn 10 năm kiên trì kiến nghị, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất điện sạch đã có thể tạm vui mừng với kết quả hỗ trợ phát triển điện sạch mà Chính phủ vừa ban hành. Tuy mức hỗ trợ phát triển điện sạch mà Chính phủ đưa ra chưa thực sự hấp dẫn lắm nhưng bước đầu đã tạo nên những ưu thế đáng kể cho nhà đầu tư phát triển điện sạch tại nước ta.
Kể từ nay, những dự án điện sạch sẽ được xếp vào loại dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn như về vốn đầu tư, thuế, phí, hạ tầng đất đai, hỗ trợ giá điện… Với những tài sản cố định như công nghệ, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất nguyên liệu, vật liệu phải nhập khẩu phục vụ cho sản xuất của dự án sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Không dừng lại đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này còn được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được hỗ trợ chi phí xây dựng các công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối lưới điện quốc gia.
Đặc biệt hơn, với những dự án điện gió lưới còn được hỗ trợ giá điện. Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.614 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Nhà nước hỗ trợ giá điện cho bên mua điện đối với toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kWh thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.
Cách đây chưa lâu, tại hội thảo quốc tế về thực trạng và tiềm năng phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cho rằng, nguyên nhân khiến cho nước ta chưa phát triển được ngành năng lượng sạch là do chưa nội địa hóa được công nghệ sản xuất sản thiết bị sử dụng năng lượng mới và phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành rất cao. Một nguyên nhân khác quan trọng hơn là Chính phủ chưa thực sự xây dựng được hành lang pháp lý đủ để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.
Trung bình, để sản xuất ra 1kWh điện sạch cần chi phí mất 6 - 20 cent trong khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ chào mua với giá 4 cent. Điều này khó mà trách được vì EVN hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Họ không thể mua điện giá cao nhưng lại bán lại cho người tiêu dùng với giá thấp. Điều này lý giải tại sao sau hơn 10 năm du nhập vào nước ta nhưng ngành năng lượng sạch chỉ mới dừng ở những dự án thí điểm, dựa trên tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Còn tại TPHCM – đơn vị duy nhất đầu tư nhà máy sản xuất điện sạch từ rác tại bãi rác Gò Cát nhưng chỉ sử dụng nội bộ chứ không thể bán vì giá thu mua thấp hơn giá thành sản xuất.
Thế nhưng, kể từ nay, những rào cản trên đã thực sự được khắc phục. Sự tham gia của bàn tay nhà nước bằng nhiều giải pháp hỗ trợ trên hy vọng sẽ khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào phát triển các dự án điện sạch tại nước ta, đảm bảo an ninh năng lượng và mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Mai Trang