Phim đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam - Bài 2: Thiếu điều kiện cần

Cần sự hỗ trợ
Phim đề tài chiến tranh cách mạng Việt Nam - Bài 2: Thiếu điều kiện cần

Không phải hãng phim, người làm phim nào cũng có thể làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng. Ngoài sự hiểu biết, yêu nghề còn là tài năng của đạo diễn. Nhưng kinh phí làm phim vẫn là vấn đề quan trọng nhất…

Quay phim ngồi trên trực thăng để thực hiện các cảnh quay trong bộ phim “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Đoàn tàu không số”.

Quay phim ngồi trên trực thăng để thực hiện các cảnh quay trong bộ phim “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Đoàn tàu không số”.

Cần sự hỗ trợ

“Liệu cơm gắp mắm” là tình hình làm phim hiện nay nói chung và đặc biệt hơn với mảng phim đề tài chiến tranh cách mạng. Mối quan tâm hàng đầu dành cho một bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng, chính là vấn đề kinh phí. “Nếu căn cứ vào việc phải có tàu to, súng lớn, máy bay… mới gọi là đại cảnh, thì rất ít, thậm chí là rất khó có phim đạt được. Theo tôi, chúng ta chưa đủ trình độ, khả năng điều hành thực hiện một bối cảnh hoành tráng như phim nước ngoài (yếu tố con người, công nghệ, tài chính), nên phải hạn chế đại cảnh trong điều kiện của mình”, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim TFS (Đài Truyền hình TPHCM), đơn vị đã thực hiện nhiều bộ phim về đề tài này chia sẻ.

Có lẽ, vì quan điểm này, rất nhiều bộ phim của TFS có cùng đề tài, chủ yếu khai thác không khí chiến tranh, số phận con người trong chiến tranh và ý nghĩa nhân văn của nó. Nhưng cũng không vì thế mà các bộ phim mất đi sự khốc liệt, hoành tráng đầy thuyết phục khi đề cập đến chiến tranh. Đã có cảnh xe tăng đi càn và không khí ngột ngạt trong phim Đất trắng, sự tham gia của mấy trăm con người trong một số cảnh quay của phim Vó ngựa trời Nam.

Ông Nguyễn Việt Hùng cho biết: “Trong phim nếu có sử dụng binh khí, nhất định phải nhờ đến sự hỗ trợ của Nhà nước mới làm được và cũng không phải hãng phim nào cũng có thể nhận được sự hỗ trợ này”. Điều này đã quá rõ, nếu cứ nhìn vào đầu phim về đề tài này sẽ thấy, các bộ phim đều do các hãng phim nhà nước thực hiện.

Theo hai đạo diễn Tường Phương và Phương Nam, khi thực hiện Dưới cờ đại nghĩa, đoàn phim đã được HTV và Hãng phim TFS hỗ trợ tối đa. Nhờ có sự ưu ái đầu tư lúc ấy (năm 2005), đoàn phim đã có thể tự chế 5 khẩu súng thần công, 30 khẩu mouquetons (một loại súng trường thời bấy giờ) bắn được. “Nếu chỉ làm phim theo kiểu thuần túy mà không có sự giúp đỡ của quân đội, của Bộ Quốc phòng sẽ rất khó có cảnh quay lớn”, đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam khẳng định.

Trong bộ phim Hà Nội 12 ngày đêm, nếu không được Bộ Quốc phòng giúp đỡ để có một buổi bắn tập tên lửa cho đoàn phim quay hình, không thể có cảnh tên lửa bắn máy bay B.52 được; vì một quả tên lửa có giá trị bằng một bộ phim truyện nhựa. Hay như trong phim đang quay Mùi cỏ cháy, đoàn phim cũng được sự giúp đỡ của 6 đơn vị đặc chủng cho phần kíp nổ, khói lửa, nổ trên mặt đất, nổ dưới nước và các phương tiện quân sự khác.

Nhẹ kỹ thuật, nặng quyết tâm

Có được đại cảnh cùng những hình ảnh hoành tráng trong phim để thỏa mãn và đạt được hiệu quả về phần thị giác (phần nhìn) cho khán giả là cả một kỳ công. Hiện nay, chúng ta chủ yếu vẫn làm theo kiểu thủ công, dùng sức người là chính.

Theo Đại tá Đỗ Văn Thân, Phó Sư đoàn trưởng, Sư đoàn 370 phòng không không quân – đơn vị cung cấp trực thăng, máy bay UH-1 cho hầu hết các đoàn phim làm về đề tài chiến tranh - chia sẻ: “Đoàn phim nước ngoài khi quay hình trên trực thăng ngoài người quay phim còn có camera lắp trong phòng phi công, để ghi hình và truyền tín hiệu trực tiếp về trung tâm. Trong khi các đoàn phim của ta đều chỉ dùng người trực tiếp ôm máy quay, được cột chặt trên máy bay để ghi hình. Khi kết thúc cảnh quay mới đem băng hình về nhà xem và chọn lọc.

Dù khó khăn vất vả là thế, nhưng điều ấy chỉ nói lên, người làm phim Việt Nam làm phim bằng cả ý chí và sự quyết tâm. Khi quay cảnh máy bay UH-1 và tàu chiến rượt đuổi tàu không số trên biển trong bộ phim Đường Hồ Chí Minh trên biển – Đoàn tàu không số tại Vũng Tàu, lúc ấy sóng to cấp 4, tàu chở đạo diễn không thể di chuyển nhanh, không thể cập mạn tàu chiến hay tàu không số (để trao đổi, bàn bạc phối hợp cho các cảnh quay). Sóng lắc lư, gió mạnh khiến đạo diễn và toàn bộ ê kíp cheo leo bên mạn tàu rất nguy hiểm, vậy mà ai cũng bảo nhau phải quyết tâm quay bằng được.  Không có sự lựa chọn, không có cơ hội làm lại khiến tất cả ê kíp làm phim phải cố gắng hết sức có thể. Khi quay xong, cũng là lúc mọi người lăn ra ói vì mệt lả và say sóng.

Với những cảnh mà trên thực tế không thể quay được, đạo diễn buộc phải dùng tới kỹ xảo, nhưng cũng thường là phương án cuối cùng vì kinh phí cho việc làm kỹ xảo cũng rất tốn kém vì khâu này chủ yếu vẫn phải làm ở nước ngoài. Đạo diễn Bùi Đình Hạc, đạo diễn phim Hà Nội 12 ngày đêm cho biết: “Chỉ có 3 phút 38 giây kỹ xảo cảnh máy bay B.52 dàn trận đánh phá Hà Nội đã ngốn hết 620 triệu đồng (thời điểm năm 2003 - PV)”.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, đạo diễn phim truyền hình Huyền thoại 1C cũng không giấu được sự lo lắng cho bộ phim đề tài chiến tranh này. “Làm phim chiến tranh cách mạng, mà lại là chiến tranh trực tiếp là khó khăn rồi. Chúng tôi chuẩn bị từ năm 2010 nhưng những cảnh lớn không thể làm thật, không thể có cách thể hiện trần xì như mình nghĩ được mà phải nhờ đến kỹ xảo, dù biết 1 phút kỹ xảo phải tiêu tốn đến cả triệu USD”.

“Tất cả những người làm nghề, những đạo diễn đều mơ ước được một lần thực hiện đại cảnh lớn có cả máy bay, tàu chiến, xe tăng nhưng điều ấy là quá khó khăn, hiếm hoi và có chút… không tưởng”, một đạo diễn bày tỏ. Đến nay, phim đề tài chiến tranh cách mạng vẫn luôn nhận được sự quan tâm tối đa của Nhà nước. Không chỉ có phim truyện nhựa, năm 2011, phim truyền hình cũng đã vào cuộc và trong phim cũng không thiếu những đại cảnh lớn. Ngoài bộ phim Đường Hồ Chí Minh trên biển – Đoàn tàu không số do Đài Truyền hình TPHCM phối hợp thực hiện với Hãng phim Giải Phóng. Bộ phim Huyền thoại 1C do Bộ VH-TT-DL là chủ đầu tư giao cho Hãng phim Tây Nam thực hiện với kinh phí hoàn toàn do nhà nước đầu tư.

Như Hoa

- Bài 1: Phim lịch sử - Vị thế đặc biệt

Tin cùng chuyên mục