Điều chỉnh các quy định về chương trình liên kết truyền hình

Đối tác đang nắm quyền chi phối hoạt động liên kết?

Trước tình trạng các chương trình liên kết của VTV chưa được cấp giấy chứng nhận mà vẫn tiếp tục được phát sóng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã yêu cầu cầu VTV phải có báo cáo giải trình về các biện pháp, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động liên kết với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy định.

Đối tác đang nắm quyền chi phối hoạt động liên kết?

Trong thông tin gửi tới báo chí, Bộ TT-TT cho rằng, hiện nay có hiện tượng các đài phát thanh, truyền hình chấp nhận vi phạm các quy định của pháp luật để đáp ứng thời hạn phát sóng của đối tác liên kết theo hợp đồng đã ký. Đây là biểu hiện khá rõ nét thực trạng: đối tác đang nắm quyền chi phối hoạt động liên kết và vì lợi ích cục bộ, lợi ích của đối tác liên kết mà chưa tính đến lợi ích chung của công chúng xem truyền hình. Bên cạnh đó, có thể thấy các chương trình liên kết chỉ tập trung vào một số ít đối tác và phần lớn mua lại format của nước ngoài, trong khi việc Việt hóa lại rất hạn chế và rất ít chương trình được sản xuất theo kịch bản trong nước.

Trong công tác quản lý nhà nước về báo chí, khi cấp giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình cho các đài phát thanh, truyền hình, cấu tạo nội dung chương trình cơ bản đã được cơ quan quản lý nhà nước về báo chí quy định cụ thể trong giấy phép. Vì vậy, khi các đài phát thanh, truyền hình thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình và trao đổi các chương trình với các đối tác liên kết thực chất là hoạt động điều chỉnh nội dung giấy phép đã cấp. Do đó, việc đăng ký chương trình liên kết với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là nhằm bảo đảm quản lý được nội dung chương trình, bảo đảm việc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của giấy phép, tránh tình trạng nội dung một số chương trình liên kết bị chi phối do ý chí chủ quan của nhà tài trợ, quảng cáo, của đối tác liên kết; đồng thời nhằm đưa các hoạt động liên kết tuân thủ đúng quy định của pháp luật, ngăn chặn và hạn chế những mặt tiêu cực ảnh hưởng đến lợi ích đất nước, lợi ích của khán giả xem truyền hình.

Theo nhiệm vụ và quyền hạn, các đài phát thanh, truyền hình có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm về nội dung, chương trình và thời lượng phát sóng, tuy nhiên quyền tự quyết định này phải phù hợp với các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định của pháp luật về báo chí. Luật Báo chí, Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của các tổng giám đốc, giám đốc các đài phát thanh, truyền hình đối với mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong đó có cả việc chịu trách nhiệm về nội dung chương trình. Nếu tổng giám đốc, giám đốc các đài phát thanh, truyền hình buông lỏng trách nhiệm này sẽ dễ dẫn đến tình trạng bị đối tác liên kết và lợi ích nhóm thao túng, kiểm soát và chi phối hoạt động liên kết.

Sẽ ngăn chặn hoạt động “bán sóng”!

Bộ TT-TT cho biết, theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, bộ đang khẩn trương nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung những quy định liên quan đến hoạt động liên kết sản xuất chương trình bảo đảm phù hợp với thực tiễn, nhưng vẫn bảo đảm quản lý được hoạt động liên kết, để cho hoạt động này phát triển lành mạnh, đúng định hướng, phát huy các ưu điểm và ngăn chặn những hoạt động bán kênh, bán sóng, tư nhân núp bóng. Đây là công việc hệ trọng nên những quy định về liên kết sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình đã được Bộ TT-TT nghiên cứu thận trọng, đưa vào dự thảo nghị định về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình trình Chính phủ tới đây, theo hướng cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung thực hiện công tác hậu kiểm chặt chẽ. Bộ TT-TT cũng chỉ rõ, qua kiểm tra, theo dõi cho thấy, mặc dù đã được Bộ TT-TT nhắc nhở, yêu cầu chấn chỉnh hoạt động liên kết nhưng VTV vẫn tiếp tục phát sóng các chương trình liên kết mà chưa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứng nhận (Sáng tạo Việt, Tìm kiếm tài năng châu Á, Đẹp Việt…). Do vậy, VTV phải có báo cáo giải trình về các biện pháp khắc phục, chấn chỉnh công tác quản lý hoạt động liên kết với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí theo quy định.

Bộ TT-TT cũng nhắc nhở: “Đài Truyền hình Việt Nam, với vị thế là Đài Truyền hình quốc gia, cần gương mẫu trong việc tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về báo chí. Bộ TT-TT sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ hơn và căn cứ mức độ sai phạm cũng như báo cáo giải trình của Đài Truyền hình Việt Nam để có biện pháp xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”. Bên cạnh đó, phía cơ quan quản lý nhấn mạnh: “Mọi sai phạm đều phải bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

MAI AN

Tin cùng chuyên mục