Điều chỉnh giao thông là một trong những giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông có chi phí thấp song tính khả thi cao. Thực tế nhiều năm qua, TPHCM đã làm khá tốt công tác này. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, ở nhiều nơi, nhiều thời điểm, công tác điều chỉnh giao thông chưa được cập nhật thường xuyên, đã gây nhiều khó khăn cho người đi đường…
đèn tín hiệu giao thông chỉ dẫn khi nào được đi thẳng, rẽ trái tại ngã ba Võ Văn Kiệt - Hải Thượng Lãn Ông. Ảnh: CAO THĂNG
Người thay đổi nhưng đèn giao thông không đổi
“Đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận) ngày càng đông người đi nhưng không hiểu sao ngành chức năng vẫn để pha đèn xanh ở hướng này mười mấy giây. Hậu quả, vào giờ cao điểm dòng người chờ đèn xanh để đi ra đường Phan Đăng Lưu kéo dài hàng chục mét, thậm chí có lúc còn bị ùn ứ. May mà đường Hồ Văn Huê chỉ lưu thông một chiều nên tình trạng ùn tắc giao thông chưa xảy ra”, ông N.H.N., cán bộ lãnh đạo của một trong những sở ngành thuộc khối hạ tầng của TPHCM, ngụ đường Hồ Văn Huê, bức xúc cho biết. Thế nhưng, không chỉ có ông N.H.N., ông N.H.K. có nhà ở đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận) - cách nhà ông N. không xa cũng bức xúc không kém về việc cài đặt các pha đèn giao thông ở khu vực này. Ông N.H.K. nói, từ khi đường Nguyễn Kiệm được tổ chức lại theo hướng giao thông một chiều từ ngã tư Phú Nhuận đi về nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Oanh thì dòng xe từ quận Gò Vấp, quận 12… đi về trung tâm TP sử dụng đường Hồ Văn Huê hoặc đường Thích Quảng Đức rất nhiều. Vậy mà thời gian đèn xanh sáng ở ngã ba Thích Quảng Đức - Phan Đăng Lưu cho xe từ đường Thích Quảng Đức ra Phan Đăng Lưu chỉ khoảng 18 - 19 giây. Chưa kể, sau khi đường Phạm Văn Đồng được đưa vào hoạt động, ngay cả những người ở quận Bình Thạnh, Thủ Đức cũng thích chọn đường Phạm Văn Đồng (thay vì đường Phan Đăng Lưu), qua đường Hồ Văn Huê, Thích Quảng Đức, Phổ Quang… để vào thành phố. Lưu lượng người đi trên đường Thích Quảng Đức, Hồ Văn Huê vì thế càng tăng lên. Có đường Phạm Văn Đồng “gánh” bớt nên lưu lượng người lưu thông qua đường Phan Đăng Lưu cũng không còn quá đông đúc như ngày trước. Trước sự thay đổi ấy, không hiểu sao thời gian đèn xanh cho người đi trên đường Phan Đăng Lưu vẫn được kéo dài, có ngã tư lên tới gần 50 giây.
Bất cập đèn vàng
Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau: tín hiệu xanh là được đi, tín hiệu đỏ là cấm đi, tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, nếu đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường”. Nghị định 34/2010 hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông đường bộ quy định xử phạt vượt đèn vàng từ 300.000 - 400.000 đồng. Nghị định 46/2016 chỉ khác với Nghị định 34/2010: nâng mức phạt vi phạm lên 2 triệu đồng. Để lập lại trật tự an toàn giao thông, quyết định nâng mức phạt các hành vi vi phạm là cần thiết. Tuy nhiên, nếu chỉ nâng mức phạt người vi phạm mà không rà soát lại việc tổ chức giao thông, bố trí lại pha đèn vàng… là chưa đủ.
Tại nhiều nút giao thông của TP, việc bố trí pha đèn vàng chưa hợp lý. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, khi đèn vàng bật lên, nếu đã đi quá vạch dừng, người điều khiển phương tiện giao thông vẫn được đi tiếp. Như vậy có nghĩa, pha đèn của chiều cắt ngang vẫn phải đỏ, buộc các phương tiện giao thông dừng lại. Chỉ khi đèn vàng tắt, đèn đỏ bên này bật lên thì đèn của hướng giao thông cắt ngang mới xanh, để đảm bảo giao thông thông suốt. Thế nhưng, trên thực tế, ở khu vực trung tâm thành phố, đặc biệt khu vực quận 3 gồm các đường như Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Đình Chiểu…, đèn vàng của hướng giao thông này chưa tắt thì đèn xanh của hướng giao thông cắt ngang đã bật, các phương tiện của hướng cắt ngang ùa vào nút, làm cho giao thông trong khu vực nút bị rối, thậm chí bị ùn ứ nếu phương tiện quá nhiều. Theo nhiều chuyên gia về giao thông, ngành chức năng phải tính toán “khớp” được các tín hiệu đèn. Nhất là khi lực lượng cảnh sát giao thông sẽ xử phạt hành vi vượt đèn vàng, nên pha đèn vàng phải được tính toán cẩn trọng, đảm bảo cho người đã đi qua vạch dừng, đi qua được nút giao thông thì dòng xe cắt ngang mới được xuất phát. Có như vậy, người đã đi qua vạch dừng khi đèn vàng bật lên không bị coi là người làm rối giao thông ở nút và có khả năng bị phạt.
Một vấn đề khác cũng xảy ra ở tại các nút giao thông, do phương tiện giao thông quá nhiều nên trên nhiều tuyến đường, dòng xe dừng chờ đèn đỏ ở nút giao thông phía trước đã kéo dài qua nhiều nút giao thông phía sau, làm cho hướng đi cắt ngang dù đang có đèn xanh cũng không thể qua được. TPHCM đã xử lý tình huống này bằng cách kẻ ô vàng - tín hiệu không cho xe dừng, đậu trong khu vực nút giao thông nhưng dường như không thu được hiệu quả như mong muốn. Chưa kể, theo luật định, không có ô kẻ vàng này thì việc dừng trong khu vực nút giao thông cũng là sai. Đáng lẽ các tài xế phải tính toán được rằng xe có khả năng thoát khỏi nút không, để quyết định đi tiếp hay dừng lại dù đèn xanh vẫn bật, thế nhưng họ đã không làm vậy. Việc này đã làm cho tình trạng ùn ứ giao thông ở các nút giao thông trong khu vực nội đô thêm nghiêm trọng. Rất nhiều lần, người dân đã phải chủ động ra điều tiết giao thông. Đơn cử tại nút giao thông Lê Qúy Đôn - Điện Biện Phủ (quận 3) trong giờ cao điểm dòng xe chạy trên đường Điện Biên Phủ thường kéo dài qua nút, chặn hướng đi của dòng xe trên đường Lê Qúy Đôn. Một số tài xế xe ôm ở gần đó đã phải chạy ra điều tiết giao thông, không cho ô tô dừng ngay giữa nút, mở đường cho xe trên đường Lê Quý Đôn đi. Việc làm này của người dân rất đáng ghi nhận, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về phía ngành chức năng.
Tách hướng rẽ trái với hướng đi thẳng
Hiện nay, tại nhiều giao lộ, ngành chức năng vẫn cho người tham gia giao thông rẽ trái lưu thông cùng pha đèn giao thông với người đi thẳng. Việc này đã làm cho tình trạng giao thông thêm phức tạp và nguy hiểm, bởi khi người rẽ trái đi thì cũng là lúc người đi thẳng cùng chiều và người đi thẳng của phía đối diện đi tới. Ba luồng xe gặp nhau, không những làm rối loạn giao thông, mà còn tạo ra nguy cơ gây tại nạn rất lớn. Cách nay nhiều năm, TPHCM đã thử nghiệm lắp pha đèn xanh riêng cho người rẽ trái ở nhiều giao lộ như ngã tư Phú Nhuận… Thế nhưng, thử nghiệm đã thất bại. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa được hướng dẫn dừng xe hợp lý. Đáng lẽ, người đi thẳng và người rẽ trái phải được bố trí riêng để khi đèn xanh của hướng nào bật lên thì dòng xe hướng đó đi. Thế nhưng họ lại dừng chờ đèn xanh lẫn lộn với nhau và kết quả: khi đèn xanh bật lên, họ khó thoát ra được để đi. Giao thông vì thế ùn ứ và chương trình thí điểm không thành công.
Tuy nhiên, bây giờ đã khác, ở nhiều nút giao thông cửa ngõ của TP - nơi có nhiều nút giao thông lớn như Hàng Xanh, xa lộ Hà Nội… đã có pha đèn xanh dành riêng cho hướng đi thẳng và đèn xanh cho hướng rẽ trái. Điều này có nghĩa, người dân đã biết về nguyên tắc tổ chức giao thông này và như vậy nên chăng TPHCM nghiên cứu mở rộng việc lắp đặt pha đèn riêng cho người rẽ trái ở các nút giao thông trong nội thành để đảm bảo an toàn giao thông chung cho mọi người.
TÂM ĐỨC