Điều chỉnh hợp lý mức giảm trừ gia cảnh

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với mức tăng từ 9 triệu đồng hiện nay lên 11 triệu đồng mỗi tháng, và người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng tăng lên 4,4 triệu đồng mỗi tháng.

Theo Bộ Tài chính, quy định của Luật Thuế TNCN sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7-2013 khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20%, đến giai đoạn này CPI đã tăng 23,2%, nên việc điều chỉnh cần thực hiện cho phù hợp với luật định và bối cảnh kinh tế - xã hội.

Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế. Tuy nhiên, thực tế nếu áp dụng mức giảm trừ điều chỉnh đó thì luật chưa ra đã lỗi thời. 

Cần có quan điểm cải cách, thay đổi cơ bản Luật Thuế TNCN, trong đó, cải cách thuế suất, bậc thuế và giảm trừ để cho ra số tiền phải nộp hợp lý. Nên giảm 7 bậc xuống còn 4 - 5 bậc và giảm thuế suất bậc đầu tiên cũng như bậc cuối cùng.

Nếu giảm thuế suất bậc 1 từ 5% hiện nay xuống 1% - 2% sẽ không còn quá quan trọng việc nâng mức giảm trừ gia cảnh. Điều chỉnh như vậy có thể giữ ổn định hàng chục năm, cho dù lạm phát lớn, vì mức độ biến động thấp.

Thực tế cho thấy luật thuế hiện nay không rõ nguyên tắc ấn định với mức giảm trừ gia cảnh. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh hiện nay không hề dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người hay mức lương tối thiểu và lương tối thiểu vùng.

Lương tối thiểu theo 4 vùng hiện chênh nhau gấp 1,5 lần, nhưng thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại bằng nhau. Còn nếu căn cứ vào mức sống hay lương tối thiểu, mức giảm trừ gia cảnh lại quá cao. Vì vậy, nếu tính hợp lý, phải tính mức giảm trừ kết hợp giữa 2 tiêu chí, khấu trừ cố định và khấu trừ một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu, có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý.

Hơn thế nữa, việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh cố định và cào bằng như hiện nay là chưa phù hợp, nhất là trong bối cảnh chênh lệch mức sống và giá cả giữa các khu vực nông thôn, miền núi với các khu vực đô thị như Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng là rất lớn.

Chẳng hạn ở nông thôn và miền núi, mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho người phụ thuộc có thể là cao. Nhưng tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, mức giảm trừ gia cảnh này không đảm bảo mức chi tiêu tối thiểu của người dân.

Quy định CPI phải tăng trên 20% mới tiếp tục điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng rất bất cập, chưa kể mỗi lần áp dụng ổn định trong vòng 5 - 7 năm. Mức giảm trừ gia cảnh được đề xuất cũng chỉ tương ứng với chỉ số trượt giá tính đến cuối năm 2019, người nộp thuế lại phải chịu thiệt từ năm 2020 đến lần điều chỉnh tiếp theo, trong khi giá cả hàng hóa leo thang từng ngày.

Cần xem xét lại mức giảm trừ gia cảnh đã đề xuất để tránh tình trạng chưa áp dụng đã lạc hậu, Bộ Tài chính nên nghiên cứu áp dụng phương án khấu trừ theo hóa đơn, thay vì áp mức cố định như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục