Điều chỉnh và thay đổi cách làm quy hoạch

Trong bối cảnh ngập nước và kẹt xe diễn ra phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc TPHCM nên xem xét điều chỉnh lại đồ án Quy hoạch xây dựng chung TPHCM, đồng thời điều chỉnh lại cách làm quy hoạch; bởi đây là cách làm căn cơ để giải quyết các vấn nạn trên. Báo SGGP giới thiệu một số ý kiến chuyên gia.
Điều chỉnh và thay đổi cách làm quy hoạch

TPHCM hướng đến sống tốt

Trong bối cảnh ngập nước và kẹt xe diễn ra phức tạp, nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc TPHCM nên xem xét điều chỉnh lại đồ án Quy hoạch xây dựng chung TPHCM, đồng thời điều chỉnh lại cách làm quy hoạch; bởi đây là cách làm căn cơ để giải quyết các vấn nạn trên. Báo SGGP giới thiệu một số ý kiến chuyên gia.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM:
TPHCM cần một chương trình phát triển đô thị hài hòa, khả thi

TPHCM đã có nhiều đồ án quy hoạch được phê duyệt và lãnh đạo thành phố cũng đã có nhiều chỉ đạo về việc thực hiện quy hoạch. Vấn đề, thành phố chưa có một chương trình phát triển đô thị. Theo quy định 11/2013 về việc thực hiện quy hoạch, căn cứ vào các đồ án quy hoạch đô thị và quy hoạch tổng thể quy hoạch phát triển kinh tế xã hội được Thủ tướng phê duyệt, thành phố cần phải lập ngay chương trình phát triển đô thị. Thành phố sẽ căn cứ vào chương trình phát triển đô thị và các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt để làm cơ sở xác định các khu vực phát triển đô thị và lập kế hoạch thực hiện. Trong đó sẽ phải xác định các ưu tiên đầu tư, nguồn lực đầu tư, Nhà nước đầu tư cái gì? các thành phần kinh tế khác đầu tư cái gì? Vốn nước ngoài đầu tư cái gì? Cơ chế chính sách huy động các nguồn vốn ra sao? Trình tự đầu tư, thời gian đầu tư như thế nào để đảm bảo đồng bộ, kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch đã được duyệt, đảm bảo tính bền vững, hạn chế tình trạng phát triển cục bộ, manh mún, dàn trải thiếu tập trung và tính hệ thống.

Đường Trường Chinh nối từ trung tâm TPHCM đến quận 12 (Ảnh: CAO THĂNG)

Thực tế hiện nay đã cho thấy hệ lụy của việc đầu tư cục bộ, manh mún, thiếu tính hệ thống… là TPHCM thường xuyên bị ngập nước, kẹt xe mặc dù đã đầu tư nhiều công trình giao thông đường bộ, đầu tư nhiều công trình chống ngập. Lý do, chúng ta đầu tư theo quy hoạch nhưng không tuân thủ theo lộ trình và có kế hoạch cụ thể. Công trình xây dựng ngày càng nhiều nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi sau, chưa được đầu tư kịp thời. Đã đến lúc TPHCM cần rà soát đánh giá lại quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng chung để làm cơ sở lập quy hoạch điều chỉnh. Thực tế hiện nay đã có nhiều thay đổi so với thực tế khi tiến hành nghiên cứu và lập đồ án quy hoạch xây dựng chung trước kia, nên cần điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp hơn. Lưu ý, tính dự báo của quy hoạch, cần cập nhật các thông tin, số liệu hiện trạng mới nhất trong các lĩnh vực, cũng như căn cứ vào các chủ trương, nghị quyết mới nhất của Trung ương để đưa ra dự báo phù hợp, mang tính khả thi cao, đảm bảo hài hòa, phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng TPHCM cũng là Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và định hướng sắp tới.

TPHCM cần phải cân nhắc dể chọn mô hình phát triển phù hợp trong tổng thể phát triển đô thị khu vực phía Nam trước sự biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng thấy rõ. Quy hoạch chung xây dựng TPHCM và chương trình phát triển đô thị TPHCM cần tăng tỷ trọng ưu tiên đầu tư và có cơ chế chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư khu vực phía Bắc, Tây Bắc TPHCM, bao gồm các địa phương: quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, vì đây là khu vực có địa hình cao, địa chất tốt, thuận lợi cho đầu tư phát triển kết nối với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh. Cần đầu tư phát triển hệ thống giao thông đối ngoại, kết nối các khu vực phát triển trong vùng, các trục giao thông xuyên tâm, hệ thống giao thông trục chính đô thị, đồng thời đầu tư hệ thống hạ tầng xã hội đồng bộ. Có chính sách thuận lợi để mời gọi đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở có giá thành thấp để thu hút dân cư trong nội thành, đầu tư cơ sở sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân ở đây, để người dân hạn chế phải đi vào khu trung tâm hiện hữu. Để tăng tính khả thi và thuận lợi cho công tác thực hiện quy hoạch cần phải có chương trình phát triển đô thị phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng TPHCM (sau khi đồ án đã được điều chỉnh) để có kế hoạch thực hiện một cách hệ thống và đồng bộ tránh phân tán, manh mún, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Quy hoạch Xây dựng TPHCM:
Ưu tiên một về hướng Đông và ưu tiên hai về phía Bắc

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, TPHCM sẽ phát triển đô thị theo hai hướng chính: Đông và Nam, hai hướng phụ là Bắc và Tây. Tôi cho rằng, thời gian sắp tới, TPHCM nên xác định lại hai hướng chính là Đông và Bắc, hai hướng phụ là Nam và Tây. Lý do để tôi có đề xuất này là hướng Đông, hướng Bắc kết nối trực tiếp với các tỉnh miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…, khu vực kinh tế năng động chỉ sau TPHCM. Chưa kể nơi đây còn có sân bay Long Thành, cụm cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải, có vai trò là cửa ngõ quốc tế về hàng không và hàng hải của Việt Nam. Hướng phát triển này vừa để tạo điều kiện cho TPHCM phát triển đồng thời cũng là cơ sở để phát triển kinh tế, đô thị vùng TPHCM một cách hài hòa, đồng bộ, có sự tương hỗ một cách hiệu quả giữa các địa phương với nhau. Chưa kể, hướng Bắc có nền địa chất tốt, địa thế cao rất thích hợp cho phát triển đô thị, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra ngày một phức tạp. Hướng Đông, cơ bản cũng có nhiều nơi có nền địa chất, địa hình tương đối tốt, chỉ có một vài khu vực thấp như Phú Hữu (quận 9), Hiệp Bình Chánh, Gò Dưa (Thủ Đức)…

Hiện TPHCM đã đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khá nhiều cho hướng Đông, chỉ còn một vài điểm: khu vực Liên tỉnh lộ 25B, Xa lộ Hà Nội… còn quá tải về giao thông. Tuy nhiên, khi đường Vành đai 2 được hoàn thiện, xe tải sẽ được lưu thông ở đó, tình trạng giao thông ở Xa lộ Hà Nội, Liên tỉnh lộ 25B… sẽ được cải thiện. Trong hai hướng phụ còn lại: Tây và Nam, tôi đề nghị ưu tiên hướng Tây hơn vì đây là hướng nối kết với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Hơn nữa, hiện nay người dân, đặc biệt là người dân nhập cư tập trung sinh sống ở hướng này rất nhiều, nếu TP không tăng thêm nguồn lực đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường, hệ thống cấp, thoát nước… thì chất lượng sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng, TP khó phát triển bền vững mà sau này có điều chỉnh lại cũng rất tốn kém. Nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất của các doanh nghiệp tư nhân cũng đang phát triển mạnh ở đây bởi giá đất khu vực này vừa khả năng chi trả của họ hơn các hướng phát triển khác. Ưu tiên cho hướng Tây cũng là một cách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân ở đây hoạt động.

NGUYỄN KHOA ghi

Tin cùng chuyên mục