Điều chỉnh vốn để tránh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”

Trong khi xã hội bức thiết với nhu cầu chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng thì xảy ra hiện tượng nhiều dự án khát vốn, trong lúc không ít dự án xài không hết tiền. 

Đến hết quý 1-2019 rất nhiều đơn vị chỉ mới giải ngân được 1% tổng vốn dự toán của cả năm. Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương sớm đề xuất điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân sang dự án cần vốn. Việc này sẽ chấm dứt chuyện “kẻ ăn không hết, người lần không ra”…

 Công trình cao tốc Bến Lức - Long Thành, TPHCM           Ảnh: CAO THĂNG
 28 đơn vị giải ngân dưới 1%


Nói về giải ngân vốn đầu tư công 2019, Bộ Tài chính kiến nghị: “Trong khi các dự án cần vốn để hoàn thành nhưng không đủ vốn thì một số dự án khác lại chậm giải ngân. Do vậy, nơi không tiêu hết tiền phải điều chuyển cho dự án cần vốn, như vậy mới đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019”.
 
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) quý 1-2019 chỉ hơn 46.700 tỷ đồng, đạt chưa đến 13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, chủ yếu là vốn trong nước, còn vốn trái phiếu Chính phủ đạt 7,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 3,55% kế hoạch giao. Trong khi đó, vốn ngoài nước chỉ đạt 0,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. 

Theo đánh giá của Bộ Tài chính thì 3 tháng đầu năm, vốn giải ngân nói chung của các bộ ngành, địa phương có cao hơn so với cùng kỳ năm 2018, thế nhưng, vốn nước ngoài giải ngân thấp hơn so với cùng kỳ. Trong khi có 4 bộ ngành và 21 địa phương có số vốn giải ngân đạt hơn 20%, có đến 27 bộ ngành và 1 địa phương gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn, tức tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%. Đáng chú ý những bộ ngành giải ngân thấp có Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam… Nguyên nhân giải ngân chậm là do những tháng đầu năm, kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn NSNN mới được giao; các đơn vị cơ bản mới hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án; các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư hoặc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán theo quy định…

Riêng đối với nguồn vốn nước ngoài, do kế hoạch năm 2019 mới được giao, sau đó các bộ ngành, địa phương triển khai phân bổ chi tiết cho từng dự án nên kế hoạch vốn năm 2019 mới bắt đầu giải ngân vào tháng 3. Đa số các dự án vẫn tiếp tục giải ngân theo kế hoạch vốn 2018, đang hoàn thiện hồ sơ để được kiểm soát chi, rút vốn theo kế hoạch 2019... 

Chuyển hoặc thu hồi 

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương nắm lại tình hình giải ngân các dự án thuộc phạm vi quản lý; rà soát khả năng giải ngân của từng dự án, sớm đề xuất việc điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch sang các dự án có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn năm 2019, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc các dự án đã có khối lượng hoàn thành.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh phân bổ vốn đầu tư công, các chủ đầu tư tập trung nghiệm thu, thanh toán vốn và yêu cầu xử lý chủ đầu tư, nhà thầu chậm hoàn thiện thủ tục giải ngân. Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác thanh toán vốn đầu tư công, cần phải kiểm soát chặt chẽ trước, trong và sau khi dự án hoàn thành theo kế hoạch chi tiêu ngân sách, đảm bảo đúng tiến độ cũng như đảm bảo giải ngân vốn theo kế hoạch đề ra.

Ngoài việc kiến nghị chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang những dự án cần vốn, Bộ Tài chính còn kiến nghị thu hồi về ngân sách nếu không đủ điều kiện giao vốn. Cụ thể, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc giao kế hoạch vốn đối với số vốn còn lại chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2019 (hơn 52.000 tỷ đồng). Số vốn còn lại, đề nghị thu hồi về NSNN.

Với vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, cần khẩn trương phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2019 đã được giao. Trong đó, đảm bảo thanh toán tối thiểu 50% tổng số nợ xây dựng cơ bản còn lại giai đoạn 2016-2020, thu hồi vốn ứng trước và bố trí kế hoạch vốn để thực hiện các đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định. Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thu hồi về NSNN số vốn thuộc kế hoạch năm 2019 nhưng do bố trí thừa, không có nhu cầu sử dụng.

Tin cùng chuyên mục