Bắc Trung bộ đang đối mặt với vấn nạn chuột phá hoại ruộng đồng nặng nề. Quảng Bình là tâm điểm bùng phát chuột khi nông dân cả 7 huyện, thành phố than trời vì chuột cắn phá lúa mới gieo, có nơi đến 70% diện tích lúa bị chuột phá hoại.
Chuột bùng phát dữ dội
Ông Nguyễn Hạo ở xã An Ninh huyện Quảng Ninh, một trong những vựa lúa lớn nhất khu vực Bắc Trung bộ cho biết: “Chưa bao giờ nông dân đối mặt với dịch chuột như năm nay. Tui gieo xong 6 sào ruộng, mới một đêm ra thăm đồng, mất hơn một nửa, chuột không biết ở đâu ra nhiều vô kể”. Chủ tịch xã An Ninh Hồ Văn Miến cho biết, chuột bùng phát dữ tợn, nông dân nói chưa bao giờ thấy ruộng bị chuột phá khủng khiếp như thế này, cứ qua một đêm là không biết bao nhiêu thửa ruộng bị chuột càn phá, có nơi gần như “trắng ruộng” sau một đêm mới gieo sạ.
Tại xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Lý cho biết: “Nhà gieo được 6 sào, qua hai ngày ra thăm đồng, ruộng chi chít vết chân chuột, mất trắng hơn ba sào, nhìn mà ứa nước mắt”. Về đồng phá Hạc Hải của xã Gia Ninh, ông Mai Ngọc Ly nói: “Tui làm được 20 sào ruộng, gieo đúng một tuần ra thăm đồng mất sạch 70% do chuột, ngao ngán lắm. Giờ nhìn ruộng mà khóc, bao nhiêu phân tao, giống má đổ vào đó, tưởng năm nay ăn chắc để có thêm tiền cho mấy đứa con ăn học, mua thêm tấm áo thì chuột nó phá một trận mất sạch”.
Đi các cánh đồng khác ở huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch rồi vùng núi Minh Hóa, Tuyên Hóa cảnh tượng đập vào mắt là nhiều thửa ruộng bị chuột tung hoành phá hoại, có thửa mất sạch chỉ còn góc chiếu mấy mầm lúa xanh xao, có nơi còn một nửa, có nơi như da báo, đất ruộng dày đặc dấu chân chuột.
Đủ cách diệt nhưng chuột vẫn phá
Người nông dân nghĩ đủ kế để diệt chuột, dùng đủ kinh nghiệm nhà nông nhưng vẫn chưa có cách nào hiệu quả. Bà Võ Thị Hiền ở thôn Phú Lộc, xã Gia Ninh cho biết: “Tụi tui vừa mua thuốc diệt chuột, vừa được thôn nhận từ trên cấp để đánh bả trên ruộng nhưng thấy chúng chết ít quá. Tuy nhiên, đó là cách yên tâm nhất vì thấy có chuột chết”.
Không chỉ bà Hiền đang diệt chuột bằng thuốc chuột vi sinh mà các địa phương khác cũng diệt chuột như thế nhưng theo ông Mai Ngọc Ly: “Rải thuốc xuống ruộng nhưng vẫn thấy đàn mẹ, đàn con lúc nhúc khắp nơi, ở các bờ ruộng hôm trước chỉ thấy một hang chuột thì hôm sau đã có cả chục hang mới, không biết thuốc có tác dụng không nữa”. Ngoài cách diệt chuột bằng thuốc vi sinh, ông Lý còn tránh chuột bằng việc cắm từng hàng dài những cành tre, dương, trên đó cột các bao ni lông, làm hình nộm để đuổi chuột nhưng theo ông: “Vẫn chẳng ăn thua gì, chuột không sợ hình nộm, cũng không sợ tiếng gió thổi phần phật bao ni lông hay vải rách”.
Nhiều nông dân ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch... có sáng kiến dùng thuốc diệt cỏ pha liều lượng lớn, phun vào những bụi cỏ rậm rạp để phát quang cỏ chết, tránh chuột làm tổ. Bà Nguyễn Thị Lý vừa phun xong mấy bờ ruộng có cỏ rậm nói: “Thấy người khác làm mình cũng làm để hy vọng, chứ năm nay chuột quá nhiều, nhiều ngoài sức tưởng tượng nên cố mấy cũng khó”.
Khắp các địa phương của các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy có ruộng chạy dọc quốc lộ 1A, nông dân dùng lưới, bạt, ni lông vây lại từng thửa ruộng, thửa mạ để không cho chuột vào phá, nhưng theo nhiều người dân, cách đó quá tốn kém nên quanh đi quẩn lại vẫn phải đánh bả bằng vi sinh mà thôi.
Ông Nguyễn Văn Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết, ngoài việc đánh chuột bằng cách bẫy, đào hang truyền thống thì diệt chuột bằng bả vi sinh là cách tốt nhất. Hiện UBND huyện đã cấp cho các xã hơn 4 tấn thuốc chuột, sắp tới sẽ cấp thêm gần 5 tấn nữa giúp dân.
Tại xã An Ninh (Quảng Ninh), ông Hồ Văn Miến, Chủ tịch xã, cho biết: “Mọi năm xã chỉ xuất cho nông dân một hai tạ thuốc diệt chuột, nay đề xuất trên huyện gần một tấn thuốc diệt chuột, số còn lại thiếu vài tạ xã sẻ trích quỹ địa phương ra giúp nông dân”. Huyện Lệ Thủy đã cấp đợt một cho nông dân gần 3 tấn thuốc diệt chuột. Ông Đặng Thái Tôn, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết sẽ hỗ trợ tối đa thuốc diệt chuột cho nông dân.
| |
Minh Phong