Điều EU có thể làm

Theo kế hoạch, cuối tháng 7 này, Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner và một số quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đến Trung Đông (Israel, Ai Cập, Jordan, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) để thảo luận thêm về Kế hoạch hòa bình Trung Đông, còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ” để giải quyết xung đột Israel - Palestine.

Trước đó, vào cuối tháng 6-2019, Mỹ đã tổ chức hội nghị kinh tế “Hòa bình tới thịnh vượng” tại Bahrain, trong hội nghị này Mỹ đã nêu phần kinh tế của Kế hoạch hòa bình Trung Đông.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông được Mỹ xây dựng trong hơn 2 năm qua, gồm hai phần là kinh tế và chính trị. Tuy nhiên đến nay, Mỹ chưa công bố phần chính trị của kế hoạch này. Trong phần kinh tế của kế hoạch hòa bình Trung Đông, Mỹ tính toán cần gói đầu tư 50 tỷ USD để đầu tư vào Bờ Tây, Dải Gaza, Ai Cập, Jordan và Lebanon.

Cần nhắc lại là không chỉ Palestine, kế hoạch Trung Đông của Mỹ cũng bị rất nhiều nước phản đối, trong đó có cả các đồng minh châu Âu. Hầu như không ai sẵn lòng bỏ tiền vào một dự án “thiếu lửa” và đầy rủi ro như vậy. Theo trang mạng cer.eu, gói kinh tế được thiết kế nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận khỏi việc thiếu vắng một kế hoạch chính trị. Những ý định của Mỹ đã rõ ràng: ông Kushner đã tuyên bố kế hoạch hòa bình này sẽ chệch khỏi giải pháp hai nhà nước, vốn được ghi rõ trong một vài nghị quyết của Liên hiệp quốc. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ không còn giả vờ công bằng mà theo đuổi một chính sách công khai thiên vị Israel trong khi lại gia tăng sức ép đối với Palestine. Kết quả, chính quyền Palestine đã cắt đứt quan hệ với Mỹ - lần đầu tiên không có quan hệ ngoại giao kể từ năm 1990 và Mỹ hứng chịu nhiều phản ứng gay gắt từ cộng đồng quốc tế. Kế hoạch này không thể phát huy tác dụng trừ khi nó được xây dựng trên cơ sở một tầm nhìn chính trị rộng lớn hơn và trừ khi người dân Palestine sẵn sàng ủng hộ nó.

Cho đến nay, EU đã đúng khi nghiêm túc bác bỏ gói kinh tế của Kushner và chưa đưa ra phản ứng chính thức, tránh làm xói mòn giải pháp hai nhà nước. EU cần ưu tiên trước hết việc tiếp tục phản đối chính sách định cư của Israel, một trong những trở ngại nghiêm trọng đối với hòa bình. Vẫn theo cer.eu, EU thực sự không thể chống lại việc xây dựng các khu định cư nếu không gây thêm sức ép đối với Israel, tăng cường các biện pháp, chẳng hạn như cấm các ngân hàng EU tiến hành các giao dịch tài chính liên quan đến các thực thể ở các lãnh thổ bị chiếm đóng.

EU cần nỗ lực chấm dứt sự phong tỏa của Israel đối với dải Gaza. 

Nhiều người ở Israel ủng hộ quan điểm cho rằng sự phong tỏa này làm gia tăng tình trạng bất ổn, khiến khu vực này rơi vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo kéo dài. Dư luận Israel cũng ủng hộ việc chấm dứt sự phong tỏa. Cùng với đó, EU cần thúc đẩy sự hòa giải giữa Fatah ở Bờ Tây và Hamas ở dải Gaza bằng cách đề nghị, cùng với các nhà tài trợ khác, đóng góp chi phí cho công cuộc hòa giải, tái hợp nhất bộ máy công quyền của Palestine, một động thái giúp làm giảm căng thẳng giữa Hamas và Palestine. Xét về chi tiết, đề xuất của Mỹ đã cố tình bỏ qua tình hình thực tế tại thực địa. Nó không đề cập đến PA, việc Israel chiếm đóng Bờ Tây hay phong tỏa dải Gaza, mà chỉ đề cập về mặt lý thuyết đến những khó khăn trong công tác hậu cần.

Tin cùng chuyên mục