“Điều hòa không khí” cho đô thị

“Làm mát đô thị” và “quản lý nhiệt độ cao và bức xạ mặt trời” là hai nội dung quan trọng trong tài liệu: Cẩm nang về quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cùng các nhà khoa học Đức soạn thảo. Báo SGGP xin trích giới thiệu hai nội dung thú vị này.
“Điều hòa không khí” cho đô thị

“Làm mát đô thị” và “quản lý nhiệt độ cao và bức xạ mặt trời” là hai nội dung quan trọng trong tài liệu: Cẩm nang về quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cùng các nhà khoa học Đức soạn thảo. Báo SGGP xin trích giới thiệu hai nội dung thú vị này.

        “Làm mát đô thị”

Theo các nhà khoa học Đức và Việt Nam: “làm mát đô thị” là một yếu tố quan trọng để nâng cao sự thoải mái và chất lượng của không gian đô thị. Trong một đô thị lớn như TPHCM, chi phí cho điều hòa không khí ở cấp công trình (ý nói việc làm mát ở từng tòa nhà - PV) tốn đến hàng triệu USD. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu và thích ứng với nhiệt độ cao ở đô thị là hết sức cần thiết.

“Làm mát đô thị” ở TPHCM như thế nào? Đó là tăng tỷ lệ cây xanh, tạo các bề mặt cỏ cây ẩm ướt, bảo tồn diện tích sông nước lớn và nếu tất cả các điều kiện trên được tích hợp, được tổ chức theo hướng bổ sung cho nhau thì hiệu quả làm mát đô thị càng lớn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cảnh báo, trong một số trường hợp, việc phối hợp các giải pháp cần được cân nhắc kỹ. Đơn cử, trồng cây có tán rộng và quá dày có thể làm giảm lưu thông không khí, làm gia tăng nhiệt và gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Mảng xanh mới trồng tại quận 2 điều hòa không khí cho đô thị. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Mảng xanh mới trồng tại quận 2 điều hòa không khí cho đô thị. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Xây dựng hành lang thông gió là một việc rất quan trọng nhằm tạo ra không khí mát và trong lành cho thành phố. Việc xây dựng hành lang thông gió phải được xác định và quy hoạch rõ ràng ngay trong các đồ án phát triển đô thị cấp thành phố. Ở cấp quận, huyện, các hành lang thông gió nhỏ cũng cần được xác định và bảo vệ. Sự cản trở hành lang thông gió có thể tác động tiêu cực đến khí hậu của toàn thành phố.

Ngoài ra, các không gian lớn như sân bay, đường cao tốc, các công viên cũng có thể là các kênh dẫn gió vào thành phố. Do vậy, chúng nên được tính toán để chuyển hướng gió theo hướng mong muốn vào thành phố.

Để đảm bảo cung cấp không khí trong lành cho thành phố, cho từng khu phố, đường phố và các block nhà nên được xây dựng theo hướng gió chính. Hướng gió chính hợp lý nhất cho TPHCM là hướng gió mùa. Đường phố nên được đặt song song với hướng gió chính hoặc nghiêng góc từ 30 độ. Mặt đường cắt phải đủ rộng và không bị chặn bởi các công trình hoặc cây xanh dày đặc.

Nên hạn chế sự cản gió. Các tòa nhà cao tầng ở TPHCM thường đặt trên khối đế cao 5 - 6 tầng. Do vậy, lưu lượng gió có thể bị hạn chế ở tầm cao đối với người đi bộ. Nên tránh xây dựng tòa nhà có thể tích lớn. Khối thể tích lớn gây ra hiệu ứng chắn gió, tuy cũng có thể giảm gió trong trường hợp hiệu ứng phễu hút gió. Đối với các tòa nhà dọc theo bờ sông, cần phải tạo ra hành lang để tận dụng luồng gió mát mẻ lưu thông từ mặt nước.

        “Quản lý nhiệt độ cao và bức xạ mặt trời”

Quản lý bức xạ mặt trời là một công cụ quan trọng để thích ứng với BĐKH ở cấp độ toàn thành phố và từng công trình. Khác với thông gió, làm mát đô thị, việc giảm thiểu bức xạ mặt trời chủ yếu được áp dụng ở quy mô nhỏ hơn, ở cấp khu đô thị hoặc cấp công trình. Tuy nhiên, những tác động có thể đạt được ở mức độ công trình hoặc khu đô thị sẽ góp phần cải thiện đáng kể môi trường toàn thành phố. Những giải pháp cụ thể có thể thực hiện để giảm thiểu bức xạ mặt trời là: sử dụng các vật liệu phản xạ trong công trình xây dựng, đặc biệt trong khâu ốp lát bề mặt. Có một nguyên tắc là vật liệu có màu sắc càng sáng, càng phản xạ tốt bức xạ mặt trời và giữ mát cho chính nó càng lâu. Điều này cũng sẽ giúp cho các tòa nhà (được xây dựng bằng vật liệu phản xạ) tiết kiệm được chi phí cho các thiết bị làm mát. Các vật liệu có tính hấp thụ nhiệt cao khi tiếp xúc trực tiếp với bức xạ mặt trời như kính và thép, nên được hạn chế sử dụng như là vật liệu xây dựng mặt đứng.

Không chỉ màu sắc mà tính chất của vật liệu xây dựng cũng như độ dẫn nhiệt của vật liệu cũng ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát công trình. Tránh ánh sáng mặt trời bằng cách tạo bóng râm trong không gian công cộng bằng cây xanh hoặc các tòa nhà cũng là một chiến lược để giảm tải nhiệt. Các cây có tán lớn thường được sử dụng cho các khu vực đô thị ở các vùng nhiệt đới để bảo vệ không gian mở và các tòa nhà bởi bức xạ mặt trời trực tiếp. Tuy nhiên, có một vấn đề cần lưu ý: cây có thể gây ra tác dụng phụ tiêu cực, chúng có thể hạn chế lưu thông gió hoặc làm tăng độ ẩm thông qua việc bay hơi, do vậy, chúng có thể làm tăng cảm giác khó chịu của con người, đặc biệt là trong trường hợp ít gió và độ ẩm cao. Vì vậy, cây không nên được trồng quá dày đặc ở những nơi thiếu thông gió. Nên lựa chọn cây bản địa, vừa phù hợp với khí hậu nhiệt đới và cần ít nước tưới. Nước tưới cây có thể tận dụng nước đã qua xử lý hoặc nước mưa dự trữ để không ảnh hưởng đến việc cung cấp nước nói chung của thành phố.

Không gian công cộng và đường phố cũng có thể được che bóng bởi các tòa nhà xung quanh. Do các khối nhà không thể dễ thay đổi sau khi xây dựng, việc bố trí tận dụng bóng đổ của khối nhà cần được tính toán cẩn thận. Tùy thuộc vào chức năng và thời gian sử dụng chính của một không gian mở, việc tính toán chiều cao các tòa nhà là cần thiết. Ví dụ, để cung cấp bóng mát cho một quảng trường công cộng vào buổi chiều, các tòa nhà ở phía Nam và Tây nên cao nhất. Đường phố hẹp với các tòa nhà dọc theo hai bên cũng giúp cung cấp bóng mát. Để tạo thuận tiện cho người đi bộ trong một thành phố nhiệt đới như TPHCM, một hệ thống các mái vòm (từ các công trình xây dựng ven đường) vươn ra vỉa hè nên được nghiên cứu, xây dựng.

Nhiệt độ cao không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn làm tăng ô nhiễm không khí. Đó là điều mà các tác giả tài liệu “Cẩm nang về quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu” muốn lưu ý bạn đọc.

An Nhiên (ghi)

Tin cùng chuyên mục