Điều không thể

Trong giới nghệ thuật vừa qua, ở trên mạng Internet và một phần gián tiếp nào đó có một số ý kiến luận bàn về giá trị nghệ thuật. Phải nói ngay, luận bàn về nghệ thuật là điều bình thường và cũng là một phần tất yếu trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Điều cần phải nói cho rõ thêm ở vấn đề này chính là tâm trạng và suy nghĩ cực đoan trong chuyện đánh giá nhận xét các giá trị nghệ thuật.

Có người đã nhân danh chân - thiện - mỹ, nhân danh cái “tôi” chưa được thể hiện hết cỡ để phủ nhận một dòng ca nhạc có nội dung hình thức tuyên truyền cổ động cho sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập tự do thống nhất đất nước. Quả thật, đây là chuyện hoang đường. Làm sao có thể phủ nhận giá trị văn hóa của những ca khúc: “Hò kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”, “Người Hà Nội”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Bước chân trên đỉnh Trường Sơn”, “Tình ca”, “Xa khơi”...

Dòng ca nhạc phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cũng chính là giai điệu của một thời lịch sử hào hùng. Phủ nhận giá trị giai điệu ấy có khác gì phủ nhận sự tồn tại dãy Trường Sơn hùng vĩ của Tổ quốc, phủ nhận sự thật lịch sử. Sự thật là, giá trị của những ca khúc cách mạng đã được xác định từ trong lịch sử cuộc chiến tranh cách mạng cho tới ngày nay. Người viết bài này thấy không cần thiết phải dẫn chứng.

Có lẽ cần trao đổi thêm về giá trị của nghệ thuật tuyên truyền, cổ động. Trước hết xin nêu lên một quan niệm về cái đẹp đã và đang được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu: “Đẹp chưa chắc là tốt nhất, cái đẹp phù hợp mới là tốt nhất!”. Với quan niệm này có thể khẳng định, giá trị chỉ được xác lập khi nó phù hợp với hoàn cảnh lịch sử, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Ở góc độ chính trị, xã hội, ai cũng biết rõ không một quốc gia, một dân tộc nào không có ý thức sâu sắc cụ thể về việc tuyên truyền quảng bá dân tộc, quốc gia họ. Nghệ thuật tuyên truyền, cổ động đạt đến giá trị sẽ là một sức mạnh to lớn, có thể tạo ra được quyền lực. Thế giới gọi đó là thứ quyền lực mềm.

Hãy xem người Mỹ tuyên truyền cho sức mạnh Mỹ như thế nào? Chỉ có thể nói một câu: rất rầm rộ, rất bài bản. Thực tế là gì? Phần còn lại của thế giới đang ráng sức chống đỡ, hóa giải sự xâm lấn của văn hóa Mỹ. Thêm một thực tế hiện hữu có tính toàn cầu: hết thảy các văn nghệ sĩ trên thế giới đều tự giác nhận lấy trách nhiệm bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa và lợi ích dân tộc của họ trước khi đến với “chân - thiện - mỹ”.

Và suy cho đến cùng, “chân - thiện - mỹ” là cái đích hướng tới của nghệ thuật. Cái cảnh giới cuối cùng của các giá trị nghệ thuật. Để đến với “chân - thiện - mỹ”, nghệ thuật phải bám rễ sâu vào thực tế đời sống. Chân - thiện - mỹ không phải là giá trị ảo. Đấy là giá trị thật phục vụ cho sự hoàn thiện con người. Không có giá trị phục vụ con người, không có chân - thiện - mỹ. Nếu các bạn đã đồng ý với người viết luận điểm này thì hà cớ gì lại phủ nhận những giá trị nghệ thuật tuyên truyền đã được công chúng chấp nhận. Người ta có thể xem xét đánh giá lại tầm cao, chiều sâu của giá trị phục vụ chứ không thể xóa bỏ hoặc bôi nhọ những giá trị ấy.

Trần Văn

Tin cùng chuyên mục