Góc chiến thuật
Xứ Wales đứng đầu bảng đấu có tuyển Anh, Nga và Slovakia - những đối thủ được đánh giá cao hơn họ trước vạch xuất phát. Đấy là điều tuyệt diệu. Bản thân chúng ta cũng thật khó mà hình dung ra được chuyện này. Đất nước nhỏ bé với chỉ 3 triệu cư dân nằm lọt thỏm trong lòng Vương quốc Anh mà có thể khiến bóng đá châu Âu phải ngưỡng mộ khi tạo nên cơn địa chấn ở EURO 2016.
Vai trò thủ lĩnh của Gareth Bale được thể hiện rõ rệt.
Từ thân phận của “kẻ lót đường”, xứ Wales giờ đây đang nổi lên như một thế lực, khiến những cầu thủ tấn công hàng đầu ở giải Ngoại hạng Anh phải mờ nhạt. Các chân sút của xứ Wales đã ghi đến 6 bàn thắng trong 3 trận, tỷ lệ còn cao hơn cả nhà ĐKVĐ Tây Ban Nha cũng như ứng cử viên sáng giá là đội chủ nhà Pháp (chỉ có được 4 bàn thắng).
Điều đáng nể là tính chiến đấu cao thể hiện trong từng cầu thủ xứ Wales. Sức mạnh lớn nhất của họ chính là tính gắn kết trong lối chơi giàu tinh thần tập thể. Xứ Wales luôn “biết mình, biết người”, rất tôn trọng đối thủ và phong cách ấy đã tạo thành một vỏ bọc cho Gareth Bale và các đồng đội bất ngờ tung ra đòn quyết định ở những thời điểm quan trọng, vượt lên giành chiến thắng.
Có thể nhận thấy ở EURO 2016, vai trò thủ lĩnh của Gareth Bale được thể hiện rõ rệt nhất. Anh là mẫu cầu thủ đa năng, dạn dày kinh nghiệm trận mạc quốc tế và điểm hay của Bale chính là biết dựa vào sức mạnh của tập thể, không bao giờ tách rời khỏi đó khi muốn phát huy tài năng của mình.
Bale thậm chí không nổi bằng Ronaldo khi chơi tại Real Madrid. Nhưng ở cấp độ đội tuyển tại VCK EURO 2016, Bale hơn đứt người đồng nghiệp quá mờ nhạt trong đội hình của Bồ Đào Nha. Đấy là chưa kể, đội hình của xứ Wales còn có Aaron Ramsey - tiền vệ trụ cột của CLB Arsenal ở Premier League - hay cầu thủ kiến thiết Joe Allen đang khoác áo Liverpool.
Tức là dù không được đánh giá như những siêu sao, xứ Wales vẫn đang sở hữu một đội hình rất đồng đều, có sự pha trộn giữa sự khéo léo kỹ thuật và sức mạnh tốc độ. Ban đầu, họ khiến người ta ngạc nhiên, nhưng càng chơi xứ Wales càng cho thấy họ là một đội bóng đáng nể, không dễ bị đánh bại.
Tất nhiên, việc xứ Wales hiên ngang lọt vào vòng 16 đội theo đánh giá của một số người là may mắn và mọi dự đoán đều đưa đến kết quả Bale và đồng đội sẽ sớm dừng bước, bởi điều đó cũng đã quá tự hào đối với người yêu bóng đá nơi đây sau hơn 58 năm chờ đợi đội tuyển quốc gia làm nên một kỳ tích. Nhưng cũng chưa biết chừng, xứ Wales có thể tạo nên những cú sốc khác còn lớn hơn…
Chuyên gia Nguyễn Hồng Sơn
THANH LÂM (ghi)
Chưa có ngôi sao nào nổi bật
Một vài nhân tố mới đã xuất hiện dù không thật ấn tượng. Trong đó, khâu phòng ngự, tính kỷ luật trong chiến thuật được đề cao trên đất Pháp.
Gần như 24 đội dự EURO 2016 đều chọn cho mình cách chơi “phòng ngự chắc chắn rồi mới tính chuyện ghi bàn”. Có rất nhiều trận đấu kết thúc với tỷ số 0-0, 1-0 hay 2-1 cho thấy khâu phòng ngự rất được đề cao. Cũng có rất nhiều bàn thắng ghi ở những phút gần cuối trận, bù giờ chứng tỏ các cầu thủ tuân thủ chiến thuật do HLV đề ra rất cao.
Pogba có tiềm năng rất lớn và sẽ tỏa sáng trong 1-2 năm tới.
Đội tuyển Anh không lấy được ngôi đầu bảng B, không có nhiều bàn thắng (3 bàn) nhưng các học trò của HLV Roy Hodgson chơi ấn tượng nhất. Cách HLV 68 tuổi kéo Wayne Rooney xuống đá dưới hàng tiền vệ để tận dụng kinh nghiệm trận mạc tỉa bóng cho các cầu thủ trẻ ở phía trên và 2 cánh là lối chơi hoạt bát nhất ở EURO lần này. Lối chơi của Tam sư mượt nhất dù họ chưa thực sự hiệu quả trong khâu ghi bàn. Tính hiệu quả đó sẽ thể hiện rõ ở những trận đấu knock-out tiếp theo. Các đội bóng lớn khác như Đức, Italia hay Tây Ban Nha vẫn thể hiện sự già rơ nhưng có vẻ như họ khó tiến xa vì không còn những nhân tố gây ra sự đột biến như những giải trước. Chẳng hạn như Đức chẳng có cầu thủ nào của HLV Joachim Loew gây ấn tượng cho tới thời điểm này. Italia vẫn giữ lối chơi phòng ngự và nhường quyền kiểm soát thế trận cho đối phương để đưa đối phương vào bẫy phản công…
EURO 2016 chưa giới thiệu ngôi sao nào nổi bật mà vẫn là những cái tên không thể không nhắc tới như Andres Iniesta (Tây Ban Nha), Luka Modric (Croatia), Gareth Bale (xứ Wales), Dimitri Payet (Pháp)… Nếu nói về sao mai thì chủ nhà Pháp có Coman và Pogba. Những gì Pogba thể hiện ở những trận vừa rồi cho thấy anh ta có tiềm năng rất lớn và sẽ tỏa sáng trong 1-2 năm tới. Tuyển Anh có Delle Alli và Eric Dier cũng đáng được chờ đợi dù chưa thể so bì với Pogba.
Sự thất vọng ở EURO 2016? Vòng bảng chưa thật sự ấn tượng nhưng may mắn là thất vọng cũng không nhiều. Hai siêu sao Cristiano Ronaldo và Zlatan Ibrahimovic chưa bùng nổ ở 2 trận đầu tiên không có gì đáng lên tiếng cả bởi cả 2 chịu sức ép quá lớn từ dư luận và từ… chính mình! Nếu phải chọn sự thất vọng lớn nhất thì đó là Nga. Lối chơi của Nga quá nhạt, thiếu hẳn tinh thần chiến đấu quen thuộc. Hy vọng vòng knock-out sẽ chứng kiến những trận đấu cởi mở hơn, nhiều bàn thắng hơn và nhiều ngôi sao tỏa sáng hơn…
Chuyên gia Đoàn Phùng
HOÀNG HƯNG (ghi)