Điều chỉnh lối sống
Trong các nghiên cứu lâm sàng, với nhiều cách điều chỉnh lối sống đã cho thấy giảm được huyết áp và giảm tỷ lệ mới mắc tăng huyết áp. Điều chỉnh lối sống bao gồm giảm cân ở người quá cân, hoạt động thể lực, giảm lượng rượu uống vào, ăn nhiều trái cây tươi và rau quả, giảm hàm lượng chất béo bão hòa, giảm thức ăn chứa natri và tăng cường thức ăn chứa kali.
Các thay đổi lối sống khác bao gồm bổ sung canxi và magiê, giảm tiêu thụ cafein và các phương pháp nhằm làm giảm stress cũng được khuyến khích. Tuy nhiên, hiện không có bằng chứng khuyến khích việc dùng các viên thuốc chứa kali, canxi và magiê để giúp hạ huyết áp.
Hiệu quả chống tăng huyết áp mang lại từ điều chỉnh lối sống thay đổi tùy theo sự tuân thủ của bệnh nhân với liệu pháp. Khi sự tuân thủ tối ưu, huyết áp tâm thu giảm >10mmHg. Biện pháp điều chỉnh lối sống được đề nghị cho tất cả các bệnh nhân tăng huyết áp, vì trên các nghiên cứu quần thể dài hạn, quy mô lớn cho thấy ngay huyết áp giảm ít cũng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, bất chấp mức huyết áp thế nào, tất cả các cá nhân cần phải lựa chọn điều chỉnh lối sống phù hợp cho mình. Hơn nữa, không giống như liệu pháp dùng thuốc có thể gây tác dụng ngoài ý muốn và giảm chất lượng sống trong một số bệnh nhân, liệu pháp không dùng thuốc không gây các ảnh hưởng có hại mà còn cải thiện cảm giác sung mãn cho bệnh nhân và ít tốn kém.
Giảm cân nặng bằng chế độ ăn ít năng lượng giúp giảm huyết áp, cải thiện tình trạng kháng insulin, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và phì đại thất trái. Uống rượu lượng nhỏ đến mức giới hạn có tác dụng chống bệnh mạch vành. Tập thể dục có tác dụng tốt nhất là ở người có lối sống tĩnh tại. Hình thức thể dục nào cũng được nhưng cách tập tích cực có hiệu quả phòng bệnh hơn. Tác dụng bảo vệ mất khi ngừng tập thể dục. Hiện chưa rõ cơ chế tác dụng của chế độ ăn nhiều trái cây và rau, có lẽ liên quan việc bổ sung kali theo các kết quả nghiên cứu. Những người bỏ thuốc lá sẽ giảm mạnh nguy cơ bệnh tim mạch 50% trong 1 năm nhưng phải ngừng hút thuốc 10 năm thì nguy cơ bệnh tim mạch mới giống như người không hút thuốc. Nên ăn cá và các loại cá có chứa axit béo omega 3 khác điều độ (ít nhất hai bữa cá mỗi tuần).
Thực hiện lối sống lành mạnh
Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì: cứ giảm 10kg cân nặng sẽ làm giảm 5 - 10mmHg mức huyết áp tâm thu. Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm ăn các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần sẽ làm giảm huyết áp tâm thu từ 8 - 14mmHg.
Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi: không quá 6g muối ăn một ngày. Có thể sẽ làm giảm huyết áp tâm thu từ 2 - 8mmHg.
Tăng cường hoạt động thể lực: có thể làm giảm 4 - 9mmHg huyết áp tâm thu. Vận động cơ thể đều đặn như đi bộ nhanh, chạy chậm ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc chơi các môn thể thao.
Hạn chế uống rượu: Uống rượu với mức độ vừa phải có thể làm giảm huyết áp từ 2 - 4mmHg. Mỗi ngày không uống quá 2 ly nhỏ, tương đương 30ml ethanol (tức khoảng 720ml bia hay 300ml rượu hay 90ml whisky).
Không hút thuốc lá để loại bỏ toàn bộ nguy cơ do thuốc lá gây ra.
Người không bị tăng huyết áp áp dụng liệu pháp này để phòng ngừa. Ở bệnh nhân tăng huyết áp độ 1 (HA<160/100mmHg), không có biến chứng bệnh tim mạch và tổn thương cơ quan đích, đáp ứng với thay đổi lối sống xảy ra sau 4 - 6 tháng đầu. Đối với người tăng huyết áp nặng nên bắt đầu liệu pháp thay đổi lối sống cùng với việc dùng thuốc.
Bác sĩ chuyên khoa 1 LÝ HUY KHANH
(Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương)