Điều ước của người lớn, gánh nặng của con cái

“Chạy”  trường khiến bức tranh giáo dục bị méo mó

Theo các chuyên gia giáo dục, việc đặt ước mơ của người lớn lên đôi vai nhỏ bé và đẩy con mình vào cuộc đua thử sức, tranh giành một chỗ học tốt đã khiến tuổi thơ của các em bị đánh cắp.

Các em bị vùi dập trong hành trình học, nhồi nhét kiến thức, buộc học những điều mình không thích. Nếu con mình có năng khiếu, sở trường thì không nói làm gì, đằng này họ chỉ thích khoe con mình “đa tài”. Việc thi trượt, bị loại khỏi danh sách xét tuyển vào những ngôi trường đặt nhiều kỳ vọng của cha mẹ sẽ tạo tâm lý không tốt cho trẻ, mất tự tin và nặng hơn là bị rối nhiễu tâm trí. 

Theo một vị nguyên là cán bộ quản lý ở Trường Tiểu học Lương Định Của, quận 3, TPHCM, có một số phụ huynh bằng mọi cách chọn trường song ngữ cho con học lớp 1 mà không biết sức con mình đến đâu. Điều này chỉ làm hại trẻ và việc ép học kiến thức, ngoại ngữ khi trẻ không có năng khiếu sẽ khiến các em phát triển lệch lạc, có tâm lý sợ học, càng học càng mất tập trung, làm bài kiểm tra không thể đạt điểm cao. Ở những ngôi trường điểm, lớp chọn thường cạnh tranh cao, ý thức ganh đua luôn xuất hiện và học sinh phải cố gắng, thể hiện nhiều hơn. Việc học thua kém bạn bè dễ khiến các em tự ti, mặc cảm dẫn đến sức học đuối dần.

     

Điều gì sẽ xảy ra khi người lớn cố tình xây ước mơ, đặt lên đôi vai nhỏ bé của con mình với khát vọng chúng phải học giỏi, phải “tỏa sáng”? Một học sinh lớp 5 thổ lộ với giáo viên chủ nhiệm nỗi khổ không thể đạt toàn điểm 10 của mình: “Cô ơi, mỗi ngày đi học về mẹ em lại xem vở và tỏ thái độ bực tức khi em chỉ đạt điểm 8, 9. Có lần em bị 7 điểm môn toán, mẹ túm tóc đánh em, chửi em học ngu… Em chỉ muốn nghỉ học và trốn đi đâu đó thật xa”.

Một phụ huynh có hai con đã trưởng thành nhận ra sự thật: “Cha mẹ chỉ nghĩ đến những điều ước ích kỷ mà quên mất điều đơn giản con mình muốn gì, cảm thấy điều gì hạnh phúc nhất?”. Đứa con trai đầu lòng của anh chị được đầu tư học trường điểm, trường chuyên nổi tiếng ở TPHCM nhưng cuối cùng chỉ là một thanh niên giỏi lý thuyết, thuộc làu làu công thức toán, hóa, lý nhưng ra đời thụ động như một “chú gà công nghiệp”.

Để con theo kịp ngôi trường có tên tuổi đó, cháu chỉ lao đầu vào học ngày, học đêm và ít có thời gian chơi thể thao, hòa mình vào cuộc sống, trải nghiệm những điều thú vị, có ý nghĩa. Điều đáng buồn hơn là cháu như bị tự kỷ, thích co cụm, ngại giao tiếp…

Khi ấy, mong muốn con mình thành nhân hơn học giỏi đã làm vợ chồng chị tê tái, day dứt. Họ nhận ra điều này hơi muộn và thay đổi quan niệm chọn trường cho đứa con gái học sau anh 7 lớp. Con gái được xét tuyển và thi đậu vào trường nào, họ cho học ở đó và tiêu chí trường gần nhà được ưu tiên số một. Con gái thích học ngoại ngữ, có năng khiếu âm nhạc, họ đầu tư theo ước muốn, đam mê của con. Họ cũng chẳng kỳ vọng con mình phải đứng nhất nhì trong lớp và điểm số một số môn học chỉ khá trở lên cũng hài lòng.

Đặc biệt, họ đồng lòng không cho con học thêm vì mất sức và cha mẹ mất công đưa đón. Vậy mà, cuối cùng con gái chị lại tự tin, lấy được học bổng du học nhờ có hành trang ngoại ngữ giỏi, thành tích ngoại khóa nổi bật, năng động tham gia hoạt động xã hội… Kinh nghiệm quý giá của vợ chồng này về đầu tư cho con liệu có được phụ huynh xem là bài học?

BẢO TRÂN

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam:

“Chạy”  trường khiến bức tranh giáo dục bị méo mó

Việc “chạy” trường bằng mọi giá, kể cả lo lót, trả chi phí cao để con mình có chỗ học tốt, vào trường điểm là hiện tượng tiêu cực và đang khiến bức tranh giáo dục bị méo mó, bị thương mại hóa. Xu hướng chọn trường chuyên, trường tốt, có thương hiệu cho con học là nhu cầu chính đáng. Thế nhưng, phụ huynh phải cân nhắc nhu cầu này có hợp lý chưa và có phù hợp năng lực, sức học của đứa trẻ hay không? Bởi lẽ nếu đứa trẻ chỉ có sức học bình thường, không có năng khiếu gì mà phải học chung với những bạn học giỏi hơn thì trẻ sẽ mất tự tin, mặc cảm. Tiếp thu tri thức là cả một quá trình và để trau dồi trí tuệ, giúp học sinh phát triển đúng năng lực thì phải khích lệ xúc cảm, ý chí, tinh thần tự học chứ không nên ép buộc học quá nhiều thứ. Dẫn chứng từ thực tế phụ huynh, người lớn đang ép con mình học trường này trường nọ và không hiểu rõ năng lực của chúng. Chưa kể, nguy cơ học sinh bị stress, căng thẳng, rối nhiễu tâm trí và dẫn đến suy thoái về nhân cách, hành vi… Con số hàng năm có hàng ngàn học sinh bị bất ổn về tâm sinh lý, bị rối nhiễu tâm trí và có hành vi bạo lực học đường do áp lực học hành, bị người lớn áp đặt nhiều điều vượt quá sức các em đang là vấn đề đáng báo động.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM:

Cần hiểu rõ năng lực của con mình

Đối với học sinh lớp 1, các cháu còn nhỏ thì phụ huynh đừng đặt kỳ vọng con mình phải học trường này trường nọ mới giỏi mà hãy để con được học đúng tuyến, gần nhà. Cần hiểu rõ năng lực của con mình để hướng con học vừa sức, học để cảm thấy vui, hứng thú chứ không nên ép học quá nhiều môn năng khiếu. Hiện nay các trường tiểu học ở TPHCM đều có chất lượng giáo dục ngang nhau và việc chọn trường gần nhà, sĩ số vừa phải sẽ giúp trẻ được chăm sóc tốt hơn.

Tin cùng chuyên mục