Còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết Dương lịch, nhưng trên địa bàn TPHCM, tình trạng dựng rào chắn thi công các công trình ngầm và hệ thống cấp thoát nước trên nhiều tuyến đường vẫn thường xuyên gây ùn tắc giao thông.
Đơn cử, hàng loạt tuyến đường đã và đang bị đào bới, rào chắn chiếm gần hết diện tích mặt đường như Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Minh Phụng, Hồng Bàng, Bình Thới, Đỗ Ngọc Thạnh (quận 11), Hùng Vương, Hậu Giang, Bình Tây, Mai Xuân Thưởng, Vạn Tượng, An Dương Vương (quận 6)... Dù không phải là giờ cao điểm nhưng các tuyến đường này vẫn thường ùn ứ giao thông. Nhà dân hai bên đường Đỗ Xuân Hợp, An Dương Vương và các vùng lân cận quanh khu vực có rào chắn “than trời” về việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuyện kinh doanh, mà nhất là dịp cuối năm và tết đang cận kề.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, theo Sở GTVT TPHCM, các đơn vị sẽ tạm ngưng thi công tất cả các công trình đào đường từ ngày 31-12-2015 đến hết ngày 1-1-2016. Chủ đầu tư tất cả các công trình hạ tầng kỹ thuật có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công đào đường, khẩn trương tái lập lại toàn bộ các đoạn đường đã thi công xong trước ngày 31-12-2015. Riêng các công trình thi công có rào chắn chiếm dụng mặt đường giao thông được phép tồn tại hàng rào công trường, nhưng phải thu dọn sạch sẽ khu vực công trường thi công. Theo số liệu thống kê của Sở GTVT, tính đến nay, trên địa bàn TPHCM có trên 50 công trình thi công nội đô có rào chắn, tập trung trên địa bàn các quận 1, 2, 6, 9, 12, Bình Thạnh, Thủ Đức... Điều đáng nói là nhiều nhà thầu, đơn vị trực tiếp thi công chưa tuân thủ đầy đủ quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Quá trình thi công còn nhiều vi phạm, bị kiểm tra nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn chậm khắc phục, gây bức xúc cho người dân tại khu vực thi công.
Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Giao thông (thuộc Sở GTVT TPHCM) đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 751 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 5,3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Bật Hận, Phó Chánh Thanh tra Giao thông, cho biết dù Thanh tra Giao thông thường xuyên kiểm tra, xử lý các nhà thầu vi phạm nhưng nhiều đơn vị vẫn tái phạm và việc xử lý đơn vị vi phạm nhiều lần chưa nghiêm. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, Thanh tra Giao thông kiến nghị Sở GTVT có chế tài mạnh hơn, nghiêm khắc hơn. Theo đó, chủ đầu tư thuộc Sở GTVT sẽ không cho tham gia đấu thầu thi công đối với các nhà thầu đã để xảy ra sai phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính từ ba lần trở lên về cùng một hành vi khi thi công. Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ rà soát, siết chặt công tác quản lý việc cấp, gia hạn giấy phép thi công đào đường, không cấp và gia hạn giấy phép cho các đơn vị đã tái phạm vi phạm thi công.
Điều đáng nói là nhiều đơn vị, ban ngày không thi công cũng không bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại công trình nên thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe. Khi giao thông hỗn loạn, cảnh sát giao thông đến nơi thì tình trạng giao thông đã gần như “tê liệt”. Trong khi đó, phương án thi công các dự án đều có chi phí cho lực lượng điều tiết giao thông ngay tại công trình, có tính chi phí nhưng không bố trí lực lượng làm nhiệm vụ. Có thể nói đây không chỉ là hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông trong quá trình thi công, mà còn là một kiểu chiếm đoạt tiền của chủ đầu tư, gây thiệt hại về kinh tế và tinh thần của người dân trong khu vực. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý thật nghiêm khắc để răn đe.
|
QUỐC HÙNG