Đang vào mùa thi đại học, các trường đại học đã bắt đầu nhận hồ sơ tuyển sinh. Dịp này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, về vấn đề định hướng cho lớp trẻ vào đời.
- Phóng viên: Đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời, biết như vậy nhưng nhiều phụ huynh vẫn ép con thi đại học bằng mọi giá. Ông nhận định thế nào về thực tế này?
>> PGS-TS HUỲNH VĂN SƠN: Có nhiều vấn đề liên quan cần được xét đến: các chương trình hướng nghiệp có thực sự đúng định hướng của giáo dục hướng nghiệp hay chưa? (trong thực tế vẫn là “hướng trường”, chứ chưa hẳn là hướng nghiệp); cái bóng của cha mẹ quá lớn, tạo nên sức ép với con cái; những suy nghĩ cảm tính từ phía xã hội về việc sử dụng nguồn lao động… Quan niệm của người Việt còn khá nặng về hai chữ đại học, trở thành suy nghĩ mang tính mặc định xem việc con cái phải có tấm bằng đại học mới rạng rỡ gia đình, mới nên người.
Việc ép con thi đậu đại học bằng mọi giá thể hiện nỗi khát khao, niềm kỳ vọng của cha mẹ về tương lai con cái, điều này cần được thông cảm. Nhưng chính những bạn trẻ cũng cần kiên định với sự tự đánh giá về mình, sự lựa chọn con đường đi của mình. Cha mẹ cũng đừng đặt cho con cái một gánh nặng quá mức để rồi mọi sự kỳ vọng trở thành áp lực quá sức và phải thất vọng.
- Dư luận cho rằng chính tâm lý sính bằng cấp của cả phụ huynh lẫn học sinh đã vô tình dẫn đến tình trạng học giả - bằng thật và nạn mua bán bằng cấp như hiện nay. Dưới góc độ của một nhà giáo dục, ông có trăn trở, chia sẻ gì?
Tôi cho rằng điều này là một căn bệnh cần được giải phẫu. Hiện vấn đề học giả - bằng thật, học giả - bằng giả đã được nhiều nhà quản lý, hoạch định chính sách và cả những nhà giáo dục quan tâm. Nhưng chúng ta cần xem lại: Vì sao người ta vẫn cứ nhìn vào bằng cấp mà không nhìn vào năng lực? Vì sao người ta cứ phải có bằng cấp mới được bước vào vòng sơ tuyển? Ngay trong các thông báo tuyển dụng và trong tâm thức của khá nhiều người, tâm lý sính bằng cấp vẫn thể hiện rất rõ. Chỉ cần tuyển một vị trí bình thường, lại đưa ra những điều kiện, chuẩn mực quá sức. Đó là lối tư duy mang tính văn bản, hành chính. Liệu người ta có dám ghi hẳn là tuyển năng lực như tiêu chí đầu tiên?
Việc xét bổ nhiệm nhiều vị trí còn nhìn vào bằng cấp cao hay khá cao, làm người ta dễ chạy đua để có bằng, dù không thực học. Lẽ ra khi các cán bộ - công chức tham dự một cuộc họp với vị trí hành chính nhà nước thì mọi học hàm và học vị nên được gỡ bỏ mới công bằng; một người là đại biểu của một tổ chức dân cử thì nên hạn chế gắn mác học vị khi thực hiện chức trách của mình.
Ở một góc độ khác, cụ thể là nhà giáo dục, tôi nghĩ chúng ta cần nghiêm túc xem lại quy trình đào tạo và quy trình cấp bằng, vì có quá nhiều bằng chưa tương xứng với chuẩn kiến thức, kỹ năng và thậm chí là thái độ học. Ngoài ra, chính việc áp chỉ tiêu lại có hai mặt: người ta cứ nhìn học vị như chỉ tiêu, thế thì có thể người ta phấn đấu hết mình, nhưng cũng có thể người ta sẽ làm bằng mọi cách để có học vị, cả khi không phải bằng con đường học tập. Cần phải đòi hỏi từng thầy cô giáo, từng chuyên gia đào tạo đừng quá dễ dãi khi ký chữ ký của mình, cho những điểm số vô tư, khiến tạo ra sự xáo trộn về bằng cấp.
- Mùa thi năm nay đã được khởi động, ông có lời khuyên gì đối với các sĩ tử và các bậc phụ huynh về việc định hướng cho lớp trẻ vào đời?
Ở một số nước, người ta tuyển đúng người, đúng việc, đúng bằng cấp, đúng trình độ. Nếu bạn có bằng cấp quá cao nhưng lại dự tuyển vào một việc có trình độ thấp hơn, đôi khi đó là một bất lợi. Vì thế, trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước, đó cũng là điều cần làm và các bậc phụ huynh cũng cần suy nghĩ. Nên hiểu rằng, thực lực của một con người mới là yếu tố quan trọng, cha mẹ đừng ép con mình mặc một chiếc áo quá khổ. Không phải đứa trẻ nào cũng có thể lớn lên để mặc vừa với chiếc áo. Các sĩ tử cần nhận thức rằng cha mẹ luôn là người hết lòng thương yêu mình, nhưng chính bản thân mình cần quyết định dựa trên sự khuyên răn hay sự mong mỏi của cha mẹ một cách sáng suốt.
Để thực hiện một dự án, không có gì tuyệt vời bằng 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Hướng nghiệp là một dự án lớn của cuộc đời, vậy tại sao chúng ta không nỗ lực tìm ra phương thức dung hòa với cha mẹ. Hướng nghiệp là một khoa học có những cơ sở vững chãi, nên nhất thiết phải dùng luận cứ để thuyết phục.
Nhưng cũng cần ý thức rằng chính cha mẹ là những người thích sự mềm mỏng, tình cảm, nên bí quyết về tình cảm cũng là một phương án hiệu quả. Cũng đừng vì cái tôi quá lớn mà gạt bỏ cơ hội của mình, hay vì sự tự ái để không tiếp nối ngành nghề gia đình, nếu thực sự đó là thế mạnh hoặc sở trường bản thân.
THI HỒNG