Định lượng công việc của cán bộ để tăng thu nhập

Sở Nội vụ TPHCM đang nghiên cứu, tham mưu UBND TPHCM xây dựng kế hoạch đánh giá, phân loại cán bộ hàng quý. Đây sẽ là căn cứ quan trọng chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức.

Xây thang điểm, đánh giá theo quý

Cụ thể, Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm thông tin, Nghị quyết 03/2018 của HĐND TPHCM cho phép chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức kể từ ngày 1-4-2018. Việc chi trả thu nhập tăng thêm sẽ căn cứ vào hiệu quả công việc nên việc đánh giá công chức là đòi hỏi rất quan trọng. Song, cách đánh giá cán bộ (hàng năm) lâu nay còn bất cập, chưa phản ánh đúng thực chất. Hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, đặc biệt do các tiêu chí đánh giá mang tính chất định tính như mức độ cần cù, chịu khó, tận tâm, trách nhiệm đối với công việc; ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chấp hành các quy định, quy chế và pháp luật…

Vì vậy, để chuẩn bị thực hiện chi thu nhập tăng thêm, Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo kế hoạch đánh giá, xếp loại hàng quý đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách trong hệ thống chính trị thành phố và trình Thường trực Thành ủy. Sở Nội vụ cũng tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM hoàn chỉnh lại dự thảo kế hoạch đánh giá, phân loại hàng quý theo hiệu quả công việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trình Thành ủy xem xét, cho ý kiến lần 2.

Định lượng công việc của cán bộ để tăng thu nhập ảnh 1 TPHCM sẽ dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức
Cùng đó, Sở Nội vụ đang nghiên cứu, tham mưu UBND TPHCM xây dựng kế hoạch đánh giá, phân loại cán bộ hàng quý (trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy). Trong đó, đề xuất thành phố xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá có tính định lượng để kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm chính xác, công bằng và khách quan. Phương pháp đánh giá theo quy định mới có các tiêu chí được cụ thể hơn, như căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ (tiến độ, chất lượng công việc) của từng người; số lượng công việc được giao theo kế hoạch; nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất; mức độ khó khăn, phức tạp, yêu cầu về trình độ chuyên môn của công việc… Khi đánh giá cũng phải làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế về phẩm chất, năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, việc đánh giá dựa trên bộ tiêu chí có điểm số cụ thể.

“Sau khi dự thảo kế hoạch được UBND TPHCM thông qua, Sở Nội vụ sẽ hướng dẫn triển khai thực hiện thống nhất”, ông Trương Văn Lắm cho biết.

Dự kiến 137.400 trường hợp được tăng thu nhập

Theo kế hoạch, năm 2018, TPHCM sẽ điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ (là tiền lương đã bao gồm tăng lương theo lộ trình của Chính phủ); năm 2019, tăng  tối đa 1,2 lần. Năm 2020, tăng tối đa 1,8 lần. Hiện nay TPHCM có hơn 11.000 công chức, 120.000 viên chức và khoảng 6.400 cán bộ không chuyên trách xã - phường - thị trấn là những người thuộc đối tượng thụ hưởng chế độ chi thu nhập tăng thêm.

3 nguyên tắc khi chi trả thu nhập tăng thêm

1. Thu nhập tăng thêm được chi trả căn cứ hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại từng cơ quan, đơn vị do thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm đánh giá (theo Nghị định 56/2015 và Nghị định 88/2017). Mỗi đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ đảm bảo dân chủ, minh bạch.

2. Chi trả thu nhập tăng thêm của năm nào thì căn cứ kết quả đánh giá hiệu quả công việc của năm đó và thực hiện chi trả sau khi có kết quả đánh giá hiệu quả công việc hàng quý, hàng năm của từng cán bộ, công chức, viên chức.

3. Căn cứ nhu cầu và nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của TPHCM từng năm trong giai đoạn 2018-2020, UBND TP sẽ rà soát hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm so với khả năng cân đối ngân sách thực tế hàng năm. Nếu có thay đổi, UBND TP trình HĐND TP xem xét, quyết định.

Theo tính toán sơ bộ, nhu cầu kinh phí chi thu nhập tăng thêm trong năm 2018 vào khoảng 2.340 tỷ đồng. Tuy nhiên, như đã nêu, thu nhập tăng thêm được chi trả căn cứ theo hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức và chỉ được thực hiện đối với những trường hợp được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cho biết thêm, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ do yếu tố khách quan, bất khả kháng thì được xem xét trong quá trình đánh giá, phân loại.

Theo ông Trương Văn Lắm, việc chi thu nhập tăng thêm được tính từ ngày 1-4-2018. Trong đó, cơ sở để thực hiện chi thu nhập tăng thêm của năm 2018 là kết quả đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cuối năm theo Nghị định 56/2015 và kết quả đánh giá theo quy định mới. Dự kiến, cách đánh giá, phân loại cán bộ hàng quý sẽ được áp dụng từ năm 2019.

Ông Trương Văn Lắm cũng nhấn mạnh, Sở Nội vụ xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá có tính định lượng, khách quan và chính xác, cùng cơ chế đánh giá công khai, minh bạch, có giám sát chặt chẽ, hỗ trợ tăng thu nhập có hiệu quả, đúng người, đúng đối tượng. Việc chi thu nhập tăng thêm phải dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao của cán bộ, công chức, viên chức và có tham khảo kết quả đánh giá về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Càng nhanh càng tốt 

Thời gian dài vừa qua, việc đánh giá chất lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức hàng năm chủ yếu đánh giá định tính, không dựa trên một bộ tiêu chí rõ ràng và mang tính định lượng. Cách đánh giá định tính ít nhiều mang màu sắc cảm tính nên thiếu công bằng, thiếu khách quan, dẫn tới sự không hài lòng trong bộ máy hành chính công. 

Việc chính quyền TPHCM đang nghiên cứu xây dựng khung tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là điều cần phải làm, càng nhanh càng tốt. Việc xây dựng bộ tiêu chí đòi hỏi phải có những nguyên tắc căn bản, đó là đảm bảo tính khách quan, công bằng một cách tốt nhất có thể.

Về nội dung đánh giá, có thể bao gồm một số nội dung quan trọng như: hiệu quả công việc; trình độ chuyên môn nghiệp vụ; phẩm chất đạo đức, thái độ và tinh thần làm việc. Mỗi nội dung này cần được đo lường bằng các tiêu chí cụ thể. Các tiêu chí phải được định lượng hóa, tức là phải được tính điểm, trong đó có những trọng số cho những tiêu chí quan trọng hơn so với những tiêu chí khác. Điều quan trọng không kém là cơ sở để cho điểm đối với từng tiêu chí phải dựa trên những minh chứng cụ thể, có nghĩa là phải chú trọng đến thành tích trên thực tế và có thể đo lường được.

Chỉ khi chúng ta xây dựng được khung tiêu chí mang tính định lượng kèm với việc đánh giá phải dựa trên những minh chứng thực tế thì việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức mới có thể đảm bảo được tính khách quan, chính xác và công bằng. Từ đó tạo động lực làm việc cho các cán bộ, công chức, viên chức theo hướng ai làm nhiều thì được hưởng nhiều và ngược lại.

LÊ MINH TIẾN, Trường Đại học Mở TPHCM

Cần cho điểm chính xác 

Việc TPHCM có sự thay đổi về phương thức đánh giá, nội dung đánh giá cán bộ là điều rất đáng mừng. Trong đó, khi đánh giá theo quý sẽ sát với thực tế hơn (để cả năm mới đánh giá dễ quên). Và như vậy, trường hợp đánh giá chưa hoàn thành nhiệm vụ sẽ được nhắc nhở, khắc phục kịp thời.

Việc xây dựng các thang điểm cụ thể để đánh giá cũng là cách làm phù hợp. Song, điều cần lưu ý là phải xây dựng công cụ, phương pháp đánh giá khoa học với các thước đo cụ thể nhằm tạo sự thuyết phục đối với cán bộ, công chức. Điều quan trọng là TPHCM phải xây dựng công cụ đánh giá định lượng, cho điểm chính xác. Nếu không, kết quả đánh giá cán bộ theo phương pháp mới, dù theo điểm số, vẫn lại mang tính hình thức mới, như thực tế bệnh thành tích trong giáo dục để cho ra “hàng loạt học sinh giỏi”.

TPHCM cần tham khảo thêm phương thức quản lý theo kết quả (Performance Management System, gọi tắt là PMS) đang được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng, nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức công. Phương thức này còn giúp đánh giá hoạt động của tổ chức và cán bộ, công chức một cách khoa học. Qua hệ thống quản lý PMS, kết quả để thực thi việc thưởng phạt, cất nhắc đề bạt và điều chỉnh một cách hợp lý, công bằng đối với các cán bộ, công chức.

Việc chi trả thu nhập tăng thêm cũng hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Do đó, kết quả sự hài lòng của người dân phải được coi là một trong những căn cứ để đánh giá cán bộ. 

TS DIỆP VĂN SƠN, chuyên gia cải cách hành chính

ĐƯỜNG LOAN - GIA MINH ghi 

Tin cùng chuyên mục